Ngành dệt may cần chuyển mình để đối mặt với những khó khăn

Ngành dệt may đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, ngành dệt may còn có những bước tiến mới để vươn xa hơn…
ngành dệt may

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, ngành dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Việt Nam đứng thứ ba thế giới về quy mô xuất khẩu hàng dệt may, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng lên hơn 4 lần, trong đó giá trị nội địa hóa của sản phẩm dệt may xuất khẩu tăng trên 6 lần.

Sang năm 2023 dự báo ngành dệt may sẽ có nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm mạnh khiến hầu hết doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Khó khăn tăng cao

Kể từ quý 3/2022 đến nay, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh, đến quý 4, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu. 

Theo chứng khoán SBS, nhu cầu thế giới về các sản phẩm ngành dệt may năm 2023 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2022. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các nước trên thế giới mà còn tác động mạnh mẽ lên xuất khẩu dệt may Việt Nam.

dự báo nhu cầu ngành dệt may

Nguyên nhân nhu cầu suy giảm mạnh là do lạm phát tăng quá cao người tiêu dùng có xu hướng thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong nước cho đến quý 2, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng trong các tháng gần đây. Mặc dù năng lực chủ động nguồn cung trong nước đang tăng dần tỷ trọng qua từng năm tuy nhiên nguyên phụ liệu kỹ thuật cao vẫn đang phải nhập khẩu. Ngoài ra thách thức còn đến từ các tiêu chuẩn kép của nhãn hàng và các nhà nhập khẩu, cạnh tranh về giá với các nước có chi phí tiền lương thấp

Bên cạnh những khó khăn đến từ yếu tố vĩ mô, ngành dệt may còn gặp khó khăn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Cụ thể, năm vừa qua, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam không ngừng thu hút sự quan tâm, mua sắm tiêu dùng của giới trẻ. Điển hình thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản, Uniqlo đã mở liên tiếp 3 cửa hàng mới tại Hà Nội. Chỉ sau 3 năm, thương hiệu này đã có đến 15 cửa hàng trên toàn quốc.

Ðiều đó cho thấy sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với các hãng thời trang nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Mặc dù doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng nhưng tiềm lực tài chính mỏng, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. 

Hành động cấp thiết 

Trước tác động mạnh mẽ đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dệt may phải có sự chuẩn bị thật tốt để bắt kịp làn sóng này.

Để bắt kịp xu hướng này đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực tài chính đủ mạnh để chi trả lãi phải trả cho chi phí đầu tư cao, khấu hao thiết bị cũng cao. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy, trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình. Đây là điều bất lợi mà ngành dệt may đang gặp phải.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, SBS cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần thường xuyên cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại và có định hướng đầu tư đúng đắn, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam bị mất khả năng cạnh tranh do lạc hậu.

Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới. Nếu các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, chất lượng nhân công và công nghệ lạc hậu như hiện nay, thì trong dài hạn việc khủng hoảng thừa lao động sẽ trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.

Vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh do khách hàng đến từ châu Âu rất đề cao môi trường, các nhà máy ở Bangladesh làm rất tốt tiêu chí này nên được khách hàng lựa chọn còn Việt Nam do chậm hơn nên bị mất cơ hội. 

Năm 2023, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), họ cũng có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này. 

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, các yêu cầu về quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã rất rõ ràng và tác động đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng của nhà xuất khẩu, chứ không còn ở mức "phấn đấu".

Hiện tiêu chuẩn LEED được đánh giá trên sáu yếu tố chính bao gồm: vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực... 

Tại Việt Nam, một số bước chuyển đổi xanh trong ngành dệt may cũng đang được tiến hành, có thể điểm qua một số dự án như dự án sản xuất vải sợi tái chế xuất khẩu sang EU của Hanosimex và Hansae; dự án vận hành nhà máy may bằng một phần năng lượng tái tạo tại An Giang của công ty Đan Mạch Spectre; dự án giảm nước thải trong khâu nhuộm vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm