Lạc quan 6 tháng
Quý II/2017, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đạt 337 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.550 tỷ đồng, vượt 8,4% kế hoạch cả năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý II của Công ty mẹ CII là 146 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của CII tập trung trong quý I và chủ yếu nhờ khoản lãi 1.221 tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Công ty CII B&R và VPII (khoản lãi này không được dùng để chia cổ tức).
Với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Võ Trường Sơn - Phó tổng giám đốc HAG cho biết, Công ty ước lãi trước thuế khoảng 213 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn trong 2 quý cuối năm khi doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận từ mảng kinh doanh bất động sản tại Myanmar.
Được biết, với cách hạch toán hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản chỉ được ghi nhận doanh thu khi bàn giao nhà/căn hộ, hay khi hoàn thành phần thô nếu khách hàng có thỏa thuận về việc tự chọn nhà thầu hoàn thiện. Do vậy, với những doanh nghiệp áp dụng cách ghi nhận doanh thu theo tiến độ thu tiền, có thể lợi nhuận không đột biến như trước đây, nhưng là con số chắc chắn.
Tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), sau khoản lỗ hơn 16 tỷ đồng trong quý I/2017, chủ yếu đến từ công ty liên doanh, liên kết, đại diện DIG chia sẻ, trong quý II, Tổng công ty tập trung nhiều hơn vào việc tái cơ cấu, kết quả kinh doanh có thể chưa cao nhưng doanh nghiệp đang từng bước thực hiện kế hoạch kinh doanh cả năm là doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận 128 tỷ đồng.
Liên quan đến tái cơ cấu, DIG đã thông qua quyết định chuyển nhượng toàn bộ 91,05% vốn sở hữu tại Công ty cổ phần Cấu kiện bê tông DIC Miền Đông. Theo đó, số lượng chuyển nhượng gần 3,2 triệu cổ phần, tương đương giá trị chuyển nhượng 7,5 tỷ đồng. Trong nửa cuối năm 2017, DIC tiếp tục rà soát, đánh giá thực tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tại một số doanh nghiệp thành viên trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới để có phương án tái cấu trúc phù hợp.
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm như Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA), đạt 2.108 tỷ đồng doanh thu và 73,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 25,6% và 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, TNA đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và hơn 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.
Kỳ vọng “sóng” cổ phiếu
Thị trường đang quan tâm đến kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp, vì đây là yếu tố quan trọng tác động đến diễn biến giá cổ phiếu. Mặt khác, kết quả này giúp nhà đầu tư tiên lượng kết quả kinh doanh cả năm cũng như “sức khỏe” và triển vọng của doanh nghiệp.
Nhìn nhận về mức độ quan tâm của nhà đầu tư thì ngân hàng là một trong số ít ngành ghi nhận sự tăng trưởng tốt về giá cổ phiếu thời gian gần đây. Tín dụng tăng trưởng mạnh và Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua mới đây là các yếu tố chính khiến nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm tới nhóm cổ phiếu chứng khoán, bởi diễn biến khả quan của thị trường sẽ giúp các công ty chứng khoán tăng doanh thu, lợi nhuận.
Ngoài ra, trong đánh giá, phân tích về hiệu quả kinh doanh của từng lĩnh vực trong nửa đầu năm 2017, nhiều công ty chứng khoán quan tâm đến nhóm ngành sắt thép do nhu cầu xây dựng tăng cao, định giá cổ phiếu đang ở vùng hấp dẫn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng, các nhóm ngành kỳ vọng đạt hiệu quả kinh doanh cao trong 6 tháng đầu năm là tài chính, công nghệ, vận tải…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác dự báo có kết quả kinh doanh vượt trội. Theo đó, thị trường chứng khoán trong thời gian tới nhiều khả năng tiếp tục có diễn biến tích cực, VN-Index hướng đến mốc 800 điểm.
Thực tế, “sóng” kết quả kinh doanh thường tập trung vào một nhóm cổ phiếu, hoặc ngành đơn lẻ và thường diễn ra ở giai đoạn “đồn đoán”, trước thời điểm các doanh nghiệp công bố chính thức. Gần đây, có những cổ phiếu tăng giá mạnh, rất có thể đã phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Do vậy, dư địa tăng giá chủ yếu ở các doanh nghiệp mà thị trường chưa ước tính, đồn đoán về kết quả kinh doanh, cũng như những doanh nghiệp bất ngờ công bố lợi nhuận đột biến vào “phút chót”.
Theo Hoàng Minh/ ĐTCK
>> Phát hành thêm cổ phiếu giá bèo: Có phải là món hời?