Lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng còn cao, thời gian vay quá ngắn

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn 161/2023/cv-HoREA về việc đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 993/CĐ-TTG ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được 105 tỷ đồng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được 105 tỷ đồng

Theo Công điện 993, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo HoREA, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 với lãi suất cho vay khoảng 8,7%/năm trong thời hạn vay 3 năm, có tác động rất tích cực đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Bởi lẽ hiện nay các chủ đầu tư này đang phải vay tín dụng thương mại với lãi suất lên đến khoảng 11-14%/năm.

Nhưng, do “vướng mắc pháp lý” nên chưa có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ đủ điều kiện triển khai, thực hiện. Cho đến nay, kết quả giải ngân của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ đạt 105 tỷ đồng, rất thấp so với kỳ vọng.

Với lãi suất cho vay khoảng 8,2%/năm trong thời hạn vay 5 năm chỉ phù hợp với đối tượng mua nhà ở, căn hộ thuộc các dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Vì các đối tượng này cũng đang phải vay tín dụng thương mại với lãi suất lên đến khoảng 11-14%/năm. Nhưng, cũng do “vướng mắc pháp lý”, nên chưa có nhiều dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ đủ điều kiện triển khai, thực hiện nên gần như chưa có sản phẩm nhà ở này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiệp hội rằng, lãi suất cho vay khoảng 8,2%/năm trong thời hạn vay 5 năm lại không thật phù hợp với đối tượng mua nhà ở,căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Do lãi suất vay quá cao và thời gian vay quá ngắn, không phù hợp với chính sách nhà ở xã hội của pháp luật về nhà ở.

Không phù hợp với chính sách lãi vay ưu đãi nhà ở xã hội Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện đang áp dụng lãi suất vay ưu đãi 4.8%/năm tại Ngân hàng chính sách xã hội, hoặc 5%/năm tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định với thời hạn vay ưu đãi dài hạn lên đến tối đa 25 năm. Do vậy, “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng” không phải là gói tín dụng “ưu đãi” nhà ở xã hội.

Hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng đang có xu thế giảm và gói 120.000 tỷ đồng là nỗ lực đóng góp và cam kết thực hiện của một số ngân hàng thương mại lớn. Nên cần được sử dụng hiệu quả, thiết thực, nên “mở rộng hơn” các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.

Bên cạnh đó, hiệp hội rất hoan nghênh Bộ Xây dựng vào ngày 17/2/2023 đã đề xuất gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% nhu cầu vốn để thực hiện chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Từ những phân tích trên, HoREA đề nghị giải pháp đầu tiên để “các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ” là giải pháp “phi tín dụng”.

Để thực hiện được giải pháp “phi tín dụng”, tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho các dự án bất động sản, trong đó có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thì phải phát huy hơn nữa “vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ” của Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Mục 2 Công điện 993/CĐ-TTg.

Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở rộng hơn” các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.

Còn Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Có thể bạn quan tâm