Lãi suất cho vay margin công ty chứng khoán nào cao nhất tháng 2/2024?

Theo ghi nhận tại các công ty chứng khoán cho thấy, lãi suất cho vay margin hầu hết đang nằm trong khoảng 10,4% - 14,5%/năm...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lãi suất cho vay margin công ty chứng khoán nào cao nhất?
Lãi suất cho vay margin công ty chứng khoán nào cao nhất?

Năm 2022, khi mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, các công ty chứng khoán cũng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay margin. Nhưng khi mặt bằng lãi suất giảm trong năm 2023, lãi suất cho vay ký quỹ tại nhiều công ty chứng khoán cũng đã được điều chỉnh giảm nhẹ so với thời điểm trước.

Theo ghi nhận tại các công ty chứng khoán cho thấy, lãi suất cho vay margin hầu hết đang nằm trong khoảng 10,4% - 14,5%/năm.

Trong đó, công ty chứng khoán có lãi suất cho vay margin cao nhất là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) ở mức 14,5% năm. Mức lãi suất này được công ty tăng thêm 1% kể từ ngày 14/10/2022.

Tiếp đó, Chứng khoán VPS chia mức lãi suất cho vay margin theo từng đối tượng khách hàng. Cụ thể, mức lãi suất cho vay ký quỹ đối với khách hàng hiện hữu là 14%/năm. Đối với khách hàng mở mới, VPS áp dụng mức lãi suất cho 30 ngày đầu tiên 7,5%/năm, 30 ngày tiếp theo là 8%/năm và từ ngày 61 trở đi là 14%/năm.

Thấp hơn một chút, Chứng khoán VNDirect (VNDS) công bố mức lãi suất cho vay ký quỹ là 13,8%/năm (biểu 360 ngày), phạm vi áp dụng với sản phẩm D-Margin và dịch vụ ứng trước tiền bán.

Từ 19/2 đến ngày 31/5/2024, Chứng khoán SSI triển khai chương trình ưu đãi “Vay Nhiều – Lãi Yêu”. Theo đó, khách hàng có dư nợ tăng thêm trên 3 tỷ đồng so với mốc dư nợ tại cuối ngày 31/01/2024 sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay margin giảm 1% so với lãi suất hiện tại. Đối với khoản dư nợ tăng thêm trên 10 tỷ đồng sẽ được giảm 2% so với lãi suất hiện tại, trong khi lãi suất cho vay hiện hành của SSI là 13,5%/năm.

Theo khảo sát, đa số các công ty chứng khoán đều có mức lãi suất cho vay là 13,5%/năm, có thể kể đến như Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán VIX (mã chứng khoán: VIX), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán VPBank (VPBankS).

Cùng mức lãi suất cho vay 13%/năm là các công ty chứng khoán như Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã chứng khoán: ORS), Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Chứng khoán Á Châu (ACBS).

Lãi suất cho vay của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) là 12,8%/năm. Trong khi đó, Chứng khoán VietCap (VCI) điều chỉnh mức lãi suất cho vay giảm còn 12,5%/năm từ ngày 17/11/2023. Mức lãi suất này áp dụng đối với các hợp đồng cho vay hoạt động giao dịch chứng khoán bao gồm giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán.

Tương tự, kể từ ngày 31/1/2024, Chứng khoán Techcombank (TCBS) cũng hạ mức lãi suất cho vay xuống còn 11,5%/năm. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) áp dụng lãi suất cho vay 11%/năm kể từ ngày 19/2/2024.

Theo khảo sát, công ty chứng khoán có lãi suất cho vay margin thấp nhất là Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) ở mức 10,4%/năm.

blue-photo-modern-listing-presentation-9-6525.png

Cho vay margin được cho là mảng nghiệp vụ quan trọng của các công ty chứng khoán khi lãi từ hoạt động này là nguồn thu lớn nhất đối với nhiều công ty chứng khoán. Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 ước tính lên đến 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối quý 3/2024.

Đứng đầu trong top 5 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin lớn nhất là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với dư nợ margin quý 4/2023 đạt 16.263 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm cuối quý 3/2023.

"Tuột" vị trí quán quân, Chứng khoán SSI ghi nhận dư nợ cho vay margin đạt 14.672 tỷ đồng, giảm nhưng không đáng kể so với cuối quý liền trước.

Đứng vị trí thứ ba là Chứng khoán Mirae Asset với 13.400 tỷ đồng. Còn Chứng khoán TP.HCM (HSC) đạt 12.135 tỷ đồng tính đến hết quý 4/2023, xếp thứ tư trong bảng xếp hạng. Chứng khoán VPS cũng thuộc nhóm dư nợ cho vay cao, đạt 11.147 tỷ đồng.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay margin tại các công ty chứng khoán hiện nay đang thấp hơn đáng kể so với năm 2022. Chuyên gia phân tích Chứng khoán DSC cho rằng, việc hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Các công ty chứng khoán sẽ phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch. 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35 - 45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán.

Có thể bạn quan tâm