Kết thúc phiên 22/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 456,87 điểm (+1,18%) lên 39.069,11 điểm, S&P 500 thêm 105,23 điểm (+2,11%) và đóng cửa ở mức kỷ lục 5.087,03 điểm, Nasdaq leo 460,75 điểm (+2,96%) thành 16.041,62 điểm.
Đây là lần đầu tiên chỉ số Dow Jones đạt trên mốc 39.000 điểm. Đối với S&P 500 cũng là mức tăng hàng ngày lớn nhất trong 13 tháng. Nasdaq Composite ghi nhận mức tăng ấn tượng nhưng trót bỏ lỡ cơ hội lập kỷ lục.
10 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng điểm, với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng ở mức 4,4%. Ngoại lệ duy nhất là ngành tiện ích giảm 0,8%. Chỉ số tăng trưởng S&P 500 thêm 3,3%, mức bổ sung hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2022.
Cũng đạt mức đóng cửa kỷ lục là chỉ số Philadelphia Semiconductor, với mức bổ sung thêm 5%, mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10.
Tâm lý của các nhà đầu tư được củng cố trở lại sau khi cổ phiếu Nvidia tăng vọt 16,4% nhờ vượt kỳ vọng về doanh thu quý 4/2023 và dự báo doanh thu quý 1/2024 sẽ tăng gần gấp ba lần do nhu cầu mạnh mẽ đối với chip AI.
Trên thực tế, báo cáo kết quả thu nhập của Nvidia được đánh giá là yếu tố quan trọng có tác động lên diễn biến Phố Wall trong thời gian qua. Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng kết quả đáng thất vọng có thể gây ra đợt bán tháo mạnh đối với các cổ phiếu công nghệ.
Jack Janasiewicz, chiến lược gia danh mục đầu tư hàng đầu tại Natixis Investment Managers Solutions, hài hước nói rằng: “Nvidia tiến thì Phố Wall cũng tiến”.
Ông Jack Janasiewicz lưu ý thêm rằng hiệu suất thu nhập của Nvidia đã vượt xa kỳ vọng cao của thị trường, chứng minh cho những ánh mắt nghi ngờ trước đây rằng công ty tiếp tục nắm vững khả năng phục hồi và phát triển.
Mức tăng trong ngày đã bổ sung thêm 277 tỷ USD vốn hoá cho Nvidia, đánh bại con số 196 tỷ USD của Meta Platform vào đầu tháng này, trở thành mức tăng trong một ngày lớn nhất của bất kỳ công ty nào trong lịch sử Phố Wall.
Một số thành viên Big Tech khác như Alphabet, Microsoft và Meta cũng thêm ít nhất từ 1,1% đến 3,9%.
Cổ phiếu của các công ty khác, được hưởng lợi từ làn sóng AI, cũng chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực. Đối thủ của Nvidia như Advanced Micro Devices, hay nhà cung cấp linh kiện máy chủ Super Micro Computer và Arm Holdings đều ghi nhận mức tăng từ 4,2% đến 32,9%.
Synopsys leo 6,9%, lên mức kỷ lục sau khi nhà sản xuất phần mềm dành cho các nhà thiết kế chip báo cáo thu nhập và triển vọng vượt ước tính.
Ở các diễn biến riêng lẻ khác, nhà sản xuất vaccine Moderna “phi mã” 13,5% sau khi khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên với lợi nhuận quý 4. Các chỉ số kỹ thuật của cổ phiếu cũng cho thấy triển vọng tăng giá.
Ngược lại, công ty xe điện Rivian và Lucid lần lượt lao dốc 25,6% và 16,8% do dự báo sản lượng năm 2024 thấp hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,93 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,64 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn vào 22/2 khi xung đột tiếp tục diễn ra ở Biển Đỏ gây lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, báo cáo về lượng dầu thô tồn kho lớn của Mỹ đã phần nào kìm hãm đà tăng trên thị trường.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 64 cent, hay 0,77% ở mức 83,67 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 70 cent, hay 0,9%, ở mức 78,61 USD/thùng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết trong một lưu ý rằng những người tham gia thị trường có thể đang nhận thấy khả năng nguồn cung bị gián đoạn trong tương lai gần, với chênh lệch giá giao ngay và hợp đồng tương lai đang là rất lớn, điều này cho thấy thị trường đang thắt chặt.
“Tình hình ở Biển Đỏ tiếp tục căng thẳng và thị trường hiểu rằng đây là một vấn đề không sớm biến mất. Châu Âu đang phải chịu gánh nặng về nguồn cung, nhưng các vấn đề về nguồn cung của châu Âu cũng sẽ trở thành vấn đề về nguồn cung của Mỹ vì điều đó ảnh hưởng đến xăng và dầu diesel của Mỹ”, John Kilduff, một đối tác tại Again Capital đánh giá.