Tại một hội thảo về đầu tư mới đây, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, việc mặt bằng lãi suất giảm trong thời gian vừa qua là hợp lý, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và nhu cầu tín dụng tăng thấp.
Ông Tú Anh cho rằng, trong thời gian tới, lãi suất sẽ khó tăng, tuy nhiên liệu có giảm hay không thì còn phải cân nhắc đến việc duy trì sự ổn định của tỷ giá. Nếu lãi suất giảm quá thấp thì có thể sẽ làm tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc đầu tư PVIAM cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại (khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn 12-13 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa) đang cao hơn so với kỳ vọng lạm phát khoảng dưới 4%, vì vậy việc giảm thêm lãi suất là khả thi.
"Chúng ta gần như chắc chắn rằng với bối cảnh hiện tại, cả ở góc độ chi phí đẩy và cầu kéo thì lạm phát không thể vượt quá 4% và xu hướng sẽ là giảm dần đều. Khi chúng ta kiểm soát được giá thịt lợn thì lạm phát của Việt Nam sẽ thấp", ông Linh nêu quan điểm.
Thực tế, số liệu thống kê về thị trường tiền tệ vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố cho biết, mặt bằng lãi suất huy động VND có xu hướng giảm trong tuần từ ngày 3-7/8/2020.
Theo đó, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4- 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,3%/năm, giảm nhẹ so với thời điểm đầu tháng 7/2020 (tuần từ ngày 29/6-3/7, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 6,5-7,3%).
Liên quan đến tỷ giá, chuyên gia này dự báo cán cân thương mại năm nay sẽ thặng dư, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua thêm được USD cho dự trữ ngoại hối, qua đó tỷ giá sẽ được giữ ở mức tương đối ổn định. Vì vậy, dù có giảm mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài xuống 6% hay thấp hơn thì vẫn đủ hấp dẫn để giữ VND thay vì giữ USD với lãi suất 0%.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia quản lý quỹ đầu tư, ông Đào Phúc Tường lưu ý rằng bên cạnh tác động tích cực của việc giảm lãi suất đối với người đi vay thì một đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực là những người gửi tiết kiệm.
Do đó, dòng tiền này đang được chuyển dần sang kênh trái phiếu bởi lãi suất trung bình trái phiếu sơ cấp của doanh nghiệp (phi ngân hàng) khoảng 10%, đây là mức khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng (cao nhất khoảng 8%/năm). Mức chênh lệch 2% khiến nhiều người cảm thấy có lợi nhuận phù hợp để chấp nhận rủi ro tại kênh trái phiếu.
Đặc biệt với những nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ khả năng phân tích và định giá doanh nghiệp, tài sản đảm bảo sẽ thấy được rằng đó là những trái phiếu tốt để mua ở giai đoạn này.