Những ngày qua, một vài ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng nhẹ 0,1-0,3%/năm, nhiều ngân hàng cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ cuối tháng 5 hoặc từ những ngày đầu tháng 6 với mặt bằng lãi suất không thay đổi nhiều so với trước đó.
Tại SHB, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-9 tháng đang áp dụng là 3,2-4,7%/năm. Với huy động online lãi suất cao hơn, từ 4-5,8%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,6%/năm áp dụng với gửi tiền online là tiết kiệm online linh hoạt với kỳ hạn trên 36 tháng.
Còn tại Sacombank, các kỳ hạn ngắn 3-6 tháng có lãi suất 3,6-5%/năm, còn kỳ hạn 9-12 tháng là 5,2-5,7%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 6,4% áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ trong gói tiết kiệm Phát đạt.
Lãi suất huy động cao nhất hệ thống hiện được OCB áp dụng lãi suất 8,2% đối với khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Tiếp theo là mức lãi suất 7,4%/năm tại ACB áp dụng cho khoản tiền từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Còn với hình thức tiết kiệm truyền thống, lãi suất cao nhất tại đây cũng chỉ 6,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 15 tháng.
Có lãi suất huy động trên 7%/năm là Techcombank. Ngân hàng này đang huy động 7,1%/năm cho khoản tiền từ 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ và không tất toán trước hạn.
Còn đối với khối ngân hàng TMCP quốc doanh, bốn ngân hàng này vẫn giữ lãi huy động thấp hơn so với mặt bằng chung hiện nay. Mức lãi suất huy động cao nhất tại khối này là 5,6%/năm.
Vietcombank vẫn là ngân hàng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thấp nhất hệ thống với 5,5%/năm. Còn lại tại Vietinbank và BIDV và Agribank là 5,6%/năm.
Tại các kỳ hạn ngắn hơn, Vietcombank cũng là ngân hàng huy động lãi suất thấp hơn 3 ngân hàng còn lại. Cụ thể, tại Vietcombank, các kỳ hạn 3-9 tháng có lãi suất 3,2-3,8%/năm. Trong khi các kỳ hạn này tại Vietinbank, BIDV và Agribank là 3,4-4%/năm.
Có thể thấy, việc điều chỉnh lãi suất của một số ngân hàng là động thái để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát.