Lâm Đồng bắt đầu cắm mốc trên toàn tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương

Bắt đầu từ ngày 15/5 tới đây, các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP.Bảo Lộc, nơi có tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đi qua sẽ tiến hành cắm mốc ranh giới giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.

Ngày 10/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn bản đến các sở ngành, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh và UBND các huyện, thành phố có tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đi qua về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án này.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được xác định là dự án trọng điểm và việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2023. Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay tình hình thực hiện của dự án rất chậm, không đáp ứng yêu cầu.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục toàn bộ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công dự án vào ngày 02/9/2023.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Lâm Đồng đang đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương vào ngày 2/9/2023. Ảnh minh họa

Tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP.Bảo Lộc phối hợp với Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ hưởng tuyến của dự án, tiến hành cắm mốc ranh giới giải phóng mặt từ ngày 15/5/2023 và báo cáo UBND tỉnh kết quả trước ngày 31/5/2023.

Riêng đối với Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu ban này chủ động liên hệ, phối hợp với các sở, ngành liên quan và đôn đốc nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thành hồ sơ báo cáo đầu kỳ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (trước ngày 15/5/2023) và báo cáo cuối kỳ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (trước ngày 20/5/2023) để triển khai các bước tiếp theo. Các báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án sẽ phải được thẩm định, phê duyệt trong quý 2/2023.

Như ThuonggiaOnline đã thông tin, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2022, có chiều dài khoảng 66km, trong đó 11km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; 55km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động).

Cao tốc Tân Phú
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022, có tổng chiều dài dự kiến gần 74km, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng là 4.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.

Về vấn đề vốn, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó đề nghị Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao 2.000 tỷ đồng từ số vốn chưa phân bố của tỉnh cho dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đang có kế hoạch đấu giá nhiều lô đất để lấy tiền làm hai đoạn cao tốc này. Cụ thể, theo phương án đề xuất của Sở Tài chính, các lô đất có thể đưa ra đấu giá gồm: Lô A2, A3, Quảng trường Lâm Viên, tổng diện tích 7.036m2, dự kiến số tiền thu về khoảng 342 tỷ đồng; Khu A, B, Công viên Trần Quốc Toản, TP.Đà Lạt, diện tích 26.700m2, thu về khoảng 1.550 tỷ đồng; Khu đất rộng 150ha, thuộc Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, thu về khoảng 983 tỷ đồng; Khu đất tại số 7, đường Phù Đổng Thiên Vương và khu dân cư số 5 tại TP.Đà Lạt, thu về khoảng 235,5 tỷ đồng. Tổng số tiền từ đấu giá đất vào khoảng 3.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất bố trí kinh phí xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương từ nguồn thu ngân sách địa phương cấp tỉnh năm 2022 gồm hơn 50,4 tỷ đồng từ nguồn tăng thu từ thuế, phí và thu khác ngân sách của cấp tỉnh; gần 34,9 tỷ đồng từ nguồn thu tiền thuê mặt đất, mặt nước; trên 47,3 tỷ đồng từ nguồn bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và nguồn thu từ xổ sổ kiến thiết hơn 36,8 tỷ đồng…

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là 2 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 2 đoạn này được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì triển khai. Đoạn còn lại là Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện cũng đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào 9/2022 với tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.

Xem thêm

Thêm ngân hàng Eximbank cam kết vốn cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Thêm ngân hàng Eximbank cam kết vốn cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia vào Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Có thể bạn quan tâm