Làm gì để chặn tình trạng đấu giá đất bỏ cọc?

Trước tình trạng đấu giá đất xong bỏ cọc của nhiều tổ chức, cá nhân diễn ra trên cả nước, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá.
Cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá. (Ảnh: Int)
Cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá. (Ảnh: Int)

Năm 2021, hoạt động đấu giá đất ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước liên tiếp được tổ chức trong bối cảnh giá đất được 'thổi' lên cao gấp nhiều lần giá thị trường. Thế nhưng, sau khi trúng đấu với giá bỏ thầu rất cao, các chủ đầu tư trúng thầu lại chọn cách bỏ cọc, gây ra những hệ luỵ xấu lên thị trường bất động sản. 

Hiệu ứng domino bỏ cọc

Sau 2 tháng ngày có kết quả đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 11/2, UBND Thành phố đã ra quyết định huỷ kết quả đấu giá lô đất 3-12 của Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã bỏ cọc lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh), doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-9 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng đã có văn bản chính thức gửi đến các cơ quan chức năng của Thành phố xin không tiếp tục triển khai dự án tại lô đất trên. Điều này đồng nghĩa Công ty Bình Minh chấp nhận bỏ 140 tỷ đồng tiền cọc.

Tại khu vực miền Bắc, hơn 3 tháng sau khi có kết quả trúng đấu giá, 4 lô đất khu X4 (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cơ quan chức năng phải làm thủ tục để ra quyết định huỷ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá do chủ đầu tư bỏ cọc. Đáng chú ý, các lô đất trên không phải là những lô được đấu giá cao nhất trong tổng số 25 lô đất khu X4 đã được đấu giá vào cuối tháng 10/2021.

25 lô đất có tổng diện tích gần 1.457m2, mỗi lô đất từ 38,1 - 84,8m2 có giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, kết quả trúng đấu giá các lô đất cao gấp 2-2,6 lần mức giá khởi điểm.

Hiệu ứng domino tiếp theo, UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cách đây ít ngày cũng phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 46 lô đất ở xã Xuân Sinh, do những người trúng đấu giá không nộp tiền, bỏ cọc.

46 lô đất này được tổ chức đấu giá vào tháng 4/2021, giá khởi điểm là 250 triệu/lô 125m2. Thời điểm bán hồ sơ có hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia, chủ yếu là người dân địa phương. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu giá, một số người ở nơi khác đến bỏ với giá cao dao động từ 1,1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng/lô nên người dân địa phương không trúng được lô nào.

Tuy nhiên cũng từ khi có kết quả trúng đấu giá đến nay, những người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính nên đành phải bỏ cọc sau khi hết thời gian theo quy định.

Tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Trong số này, khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú có 38/66 lô; khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng có 21/42 lô; khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có 18/88 lô bỏ cọc.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Mức giá này được dùng làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất đã tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá.

Đáng chú ý là, hiện tượng "hét" giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá “ảo” để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.

Trước tình trạng trúng đấu giá xong bỏ cọc, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, vấn đề đang bị bỏ ngỏ đó là xác minh năng lực của nhà đầu tư. Đơn cử như Công ty Bình Minh mới thành lập 2 tháng, chưa có kinh nghiệm trong đầu tư dự án bất động sản nhưng vẫn có thể tham gia và trúng đấu giá đất.

Chủ tịch HoREA nhắc đến khả năng, đơn vị tham gia đấu giá với mục đích "đánh bóng" thương hiệu, tạo sức hút cho cổ phiếu hoặc trái phiếu. Thời gian qua, nếu không có những thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ, các nhà đầu tư lại huy động vốn từ ngân hàng để tham gia đấu giá. Vì thế, cần hoàn thiện quy định pháp luật để tránh những mặt xấu. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Đánh giá về thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

Ngoài ra, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả, dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những hệ luỵ, tiêu cực đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Có thể bạn quan tâm