Làn sóng khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu lan sang các lĩnh vực khác ngoài bất động sản

Làn sóng khủng hoảng trái phiếu đang có dấu hiệu lan sang một số loạt doanh nghiệp trong ngành năng lượng, một lĩnh vực cũng sử dụng quy mô đòn bẩy vay vốn cao không thua kém gì ngành bất động sản…
trái phiếu

Mới đây, Công ty Cổ phần BB Power Holdings vừa công bố thông tin bất thường về việc điều chỉnh kỳ hạn và phương án mua lại trái phiếu với lô trái phiếu BBP.H.20.23.001. Theo đó, trái chủ đã chấp thuận cho BB Power Holdings gia hạn thời gian mua lại trái phiếu BBP.H.20.23.001 ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 25/12/2023. 

Bên cạnh đó, tổ chức phát hành được quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu đang lưu hành mà trái chủ không cần thực hiện thêm bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác.

Lãi suất trái phiếu áp dụng từ ngày 25/3/2023 đến ngày 25/6/2023 giữ nguyên theo phương án phát hành. Lãi suất trái phiếu áp dụng kể từ sau ngày 25/6/2023 là 13%/năm nhưng không thấp hơn lãi suất theo phương án phát hành tính trên phần gốc trái phiếu chưa thanh toán.

Hiện, trái chủ chấp thuận cho tổ chức phát hành khắc phục các sự kiện vi phạm mà tổ chức có thể vi phạm phát sinh trong thời gian trái phiếu còn hiệu lực (ngoại trừ việc chậm hoặc không thanh toán gốc, lãi theo tiến độ).

Ngoài ra, trái chủ cũng chấp thuận cho công ty thực hiện giao dịch cơ cấu bằng cách chuyển nhượng M&A của các cổ đông hiện hữu cho các cá nhân, tổ chức mới với điều kiện vẫn giữ nguyên hiệu lực và giá trị. Ngay khi giao dịch chuyển nhượng M&A thành công, số tiền thu được từ việc chuyển nhượng sẽ được sử dụng để tất toán gốc, lãi các gói trái phiếu bao gồm BBP H.20.23.001, HSCH 20,23,001, HS2 H 20.23.001, BBSP H.20.23.001 trước khi sử dụng cho các mục đích khác.

Công ty Cổ phần BB Power Holdings là một trong những mắt xích quan trọng thuộc hệ sinh thái BB Group của doanh nhân Vũ Quang Bảo (sinh năm 1970). Ông Bảo là em trai của ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bitexco. 

BB Group được thành lập vào tháng 4/2017, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, ông Vũ Quang Bảo nắm giữ cổ phần chi phối lên tới 65%, phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Tư Huy và bà Vũ Thị Thu Hằng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 15% vốn điều lệ.

Tập đoàn này thể hiện rõ chiến lược đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, khác với cơ đồ mà Bitexco đã xây dựng từ trước, chủ yếu tập trung vào thủy điện, thì BB Group lại rót vốn mạnh vào mảng quang điện và phong điện thông qua nhiều pháp nhân, với pháp nhân lõi là BB Power Holdings.

Ở một diễn biến khác, Công ty Phong Điện Yang Trung cũng vừa công bố thông tin bất thường về việc trả chậm lãi, gốc trái phiếu.

Cụ thể, công ty có gần 96 tỷ đồng tiền lãi và gốc với 4 mã trái phiếu phải thanh toán vào cuối tháng 3/2023. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/3, công ty mới chỉ thu xếp trả được gần 1,8 tỷ đồng tiền gốc. Công ty Yang Trung cho biết doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thu xếp đủ nguồn vốn để thanh toán cho trái chủ.

Trước đó, các lô trái phiếu nêu trên được phát hành liên tiếp trong tháng 9 và tháng 12/2021 với thời hạn từ 24 tháng đến 57 tháng. Lãi suất của các lô trái phiếu được công bố là 10,75%/năm. Tổng giá trị của các lô trái phiếu này khoảng 920 tỷ đồng.

Tương tự như Yang Trung, Công ty Phong Điện Chợ Long, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Chợ Long bị đại lý quản lý tài khoản và thanh toán gửi thông báo về việc chưa đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu đến hạn ngày 16/3. 

Phong Điện Chợ Long cho biết, doanh thu điện của công ty từ tháng 8 – 11/2022 đã đủ điều kiện để thanh toán nhưng vì một số lý do khách quan đến ngày 16/3 vẫn chưa nhận được tiền doanh thu trên từ công ty mua bán điện, dẫn đến chậm trả lãi, gốc trái phiếu. 

Như vậy, cơn khủng hoảng trái phiếu đang có dấu hiệu lan sang một số loạt doanh nghiệp trong ngành năng lượng, một lĩnh vực đầu tư sử dụng quy mô đòn bẩy vay vốn cao không thua kém gì ngành bất động sản. 

Bên cạnh việc xin gia hạn, chậm trả lãi gốc trái phiếu, một số doanh nghiệp năng lượng cũng phải chịu mức lãi suất cao hơn khi lãi suất tham chiếu (tính theo lãi suất tiết kiệm) tăng cao.

Đơn cử như Tập đoàn Xuân Thiện, một đơn vị lớn trong lĩnh vực năng lượng cũng điều chỉnh lãi suất tăng mạnh. Cụ thể, các lô trái phiếu do Công ty Xuân Thiện Ninh Thuận, Công ty EA Súp 1 và EA Súp 3, Công ty Xuân Thiện Đắk Lắk đều tăng lên 14,5 – 15%/năm so với mức lãi suất trước đó khoảng 10 - 11%/năm.

Được biết, nhóm EA Súp được giao đầu tư, vận hành Cụm Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện EA Súp với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.000 MWac (tương đương 2.800MWp), giai đoạn một với công suất 600MWac tương đương 831 MWp. Đây được đánh giá là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm 22,2km đường dây 500kV và trạm biến áp 500kV/1200MVA.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...