Thông tin đưa ra tại cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì về nội dung kinh doanh xăng dầu diễn ra chiều muộn ngày 9/2.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, những ngày vừa qua có 19 cửa hàng đang tạm nghỉ, hoặc dừng hoạt động do hết xăng dầu, không còn nguồn để bán. Khi làm việc với các cửa hàng này, ông Hà cho biết, do nguồn cung hạn chế, chiết khấu quá thấp dẫn đến lỗ, nên nhiều cửa hàng đưa ra các lý do như ăn giỗ, đám cưới, ốm đau… để không bán hàng.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk khẳng định, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường, kiểm tra giám sát, nếu phát hiện tình trạng "găm hàng, tăng giá" sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ Công Thương đánh giá sát hơn nữa tình hình cung-cầu thị trường và cần linh hoạt trong điều hành giá.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho hay, có ghi nhận 1 cây xăng ở Bình Tân thiếu xăng, nhưng các mặt hàng dầu vẫn được bán đầy đủ. Theo tính toán, dự trữ khu vực TPHCM là 1,2-1,3 triệu m3, nên các doanh nghiệp có thể cầm cự được 40-60 ngày, trong trường hợp nguồn cung không ổn.
Tuy nhiên, bà Thắng cũng nhìn nhận, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn do điều chỉnh giá chưa kịp thời nên chiết khấu thấp, có khi ở mức 0 đồng. Vì vậy, TPHCM đã chủ động đề nghị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng và chưa phát hiện hiện tượng "găm hàng".
Trong khi các địa phương khẳng định thiếu hụt nguồn hàng và không có hiện tượng găm hàng thì ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Mặc dù bị tác động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, nhưng đến nay cơ bản nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đảm bảo.
Cụ thể, với nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ lên mức 100% từ 15/3. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến tháng 5/2022. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng lên 105%.
Bên cạnh đó, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ trong nước nếu Nghi Sơn không đảm bảo duy trì được như kế hoạch.
Việc tạm ngừng bán hàng tại một số cửa hàng, Vụ Thị trường trong nước đánh giá, đây là tình trạng "diễn ra cục bộ tại một số địa phương phía nam như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai và một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá, việc này đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm".
Hiện tượng nhiều cửa hàng đóng cửa treo biển "hết xăng" nếu không xử lý triệt để sẽ trở nên phổ biến. Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất dày 1-2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; phối hợp với cơ quan chức năng như sở công thương, Vụ Thị trường trong nước, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.