Điểm mặt những dự án “lỗi hẹn”
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây được thông xe ngày 8/2/2015 không những rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Đồng Nai, Vũng Tàu, giảm ách tắc giao thông, mà còn là một cú hích lớn tới thị trường bất động sản tại những nơi nó đi qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đã đi vào hoạt động, làm thay đổi da đổi thịt những khu vực mà nó đi qua, thì trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều dự án hạ tầng giao thông đang bị chậm tiến độ, gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng xấu tới thị trường địa ốc.
Có thể kể đến những dự án đang chậm tiến độ như dự án cầu Ông Dầu (Thủ Đức), dự án xây dựng nút giao thông Ngã năm Đài liệt sĩ và nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), hay dự án cầu đường Bình Triệu 2…
Trong đó, dự án cầu đường Bình Triệu 2 gồm nhiều hạng mục đã được triển khai thi công từ năm 2000, trong đó đã hoàn thành xây dựng cầu Bình Triệu 2, nhưng đến năm 2004, do nhà đầu tư - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - không có khả năng về vốn để thực hiện tiếp, nên nhiều hạng mục khác bị dở dang.
Đến nay, dự án này vẫn còn đình trệ công trình mở rộng mặt Quốc lộ 13 từ 20 m lên 53 m, đoạn từ cầu Bình Triệu đến Ngã tư Bình Phước dài 5,4 km do kinh phí đền bù giải tỏa quá lớn.
Một trong những đại dự án gây ảnh hưởng nhiều nhất tới cuộc sống người dân, cũng như thị trường địa ốc trên địa bàn quận Thủ Đức là dự án ga Bình Triệu. Dự án này được UBND TP.HCM đưa ra bản quy hoạch xây mới ngay từ năm 2002, nhưng do gặp phải nhiều vướng mắc, nên chưa được thực hiện. Khoảng 11 năm sau (năm 2013), Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 568/QĐ-TTg. Đến cuối năm 2016, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South) cùng các đơn vị liên quan mới tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa ở dự án nhằm xác định phạm vi chiếm dụng đất, bàn giao cho địa phương để quản lý quỹ đất dành cho phát triển giao thông đường sắt cũng như quy hoạch xây dựng. Với tiến độ này, việc dự án bao giờ được đưa vào sử dụng vẫn là câu hỏi ngỏ.
Bất động sản chịu trận
Nhận định về mối quan hệ giữa hạ tầng giao thông và thị trường bất động sản, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây được xem như đôi bạn cùng tiến, có yếu tố liên quan mật thiết với nhau, giá bất động sản có thể tăng nhờ hạ tầng, nhưng cũng có thể đóng băng vì hạ tầng.
Thị trường bất động sản khu Tây Bắc TP.HCM là minh chứng rõ nhất cho nhận định này, khi khu Đông đang phát triển như vũ bão, thì tại khu Tây Bắc lại có sự phát triển khá chậm chạp. Nhiều chuyên gia cho rằng, khu Tây Bắc có mật độ dân số lớn, nhưng chỉ có 2 con đường kết nối với trung tâm Thành phố là đường Trường Chinh và đường Cộng Hòa. Do đó, giao thông luôn trong tình trạng quá tải, khiến thị trường địa ốc cũng kém hấp dẫn hơn so với các khu khác.
Để giải quyết tình trạng quá tải tại khu vực này, Thành phố đang triển khai nhiều dự án hạ tầng nhằm mở rộng, kết nối giao thông tại các cửa ngõ với nội đô. Có thể kể đến những công trình giao thông trọng điểm như hầm chui An Sương, tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, hay việc nâng cao năng lực lưu thông trên trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22…
Ngay sau khi có quy hoạch, khu Tây đã thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc rót vốn đầu tư dự án bất động sản tại khu vực này, giúp thị trường bất động sản khu Tây trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM trong quý I/2017. Theo khảo sát của CBRE, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, khu Tây của TP.HCM đã vượt lên dẫn đầu về số lượng căn hộ chào bán với 1.821 căn, chiếm 36% nguồn cung.
Tuy nhiên, dù phần lớn dự án hạ tầng giao thông trên đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, nhưng vẫn chưa dự án nào chính thức được thực hiện. Việc tiến độ các dự án giao thông chậm không những ảnh hưởng tới đà phát triển kinh tế-xã hội khu vực, mà còn biến các dự án bất động sản thành “con tin”.
Theo Đầu tư BĐS