Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với 5,059 triệu cổ phiếu VTL của Công ty Cổ phần Vang Thăng Long (mã chứng khoán: VTL).
Cụ thể, ngày hủy niêm yết bắt buộc là ngày 19/5/2023, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 18/5/2023.
Theo HNX, cổ phiếu VTL bị hủy niêm yết là do công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH PKF Việt Nam, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, VTL ghi nhận doanh thu thuần đạt 79,8 tỷ đồng, giảm 1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng ở mức 82,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp âm 2,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các chi phí ngoài hoạt động thông thường tăng vọt từ 32,9 triệu đồng lên tới 17,2 tỷ đồng (bao gồm 196,2 triệu đồng là các khoản phạt, số tiền còn lại không được thuyết minh cụ thể). Do nguồn thu nhập khác chỉ vỏn vẹn 13,2 triệu đồng nên khoản lợi nhuận khác của công ty âm 17,1 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí liên quan, VTL báo cáo lợi nhuận sau thuế âm 35,7 tỷ đồng, giảm hơn 35,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tiếp diễn quãng thời gian kinh doanh khó khăn của công ty.
Tính đến ngày 13/12/2022 vốn điều lệ của Vang Thăng Long là 50,6 tỷ đồng trong khi công ty đang "ôm" số lỗ luỹ kế lên tới 62,8 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ hơn 12 tỷ đồng. Đây cũng chính là lý do mà HNX quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu VTL như đã nói ở trên.
Theo ban lãnh đạo Vang Thăng Long do công ty tiếp tục chịu ảnh hưởng của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với nhiều chế tài mạnh. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn nên sức mua có phần hạn chế so với mọi năm.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của công ty, ảnh hưởng kết quả kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng thua lỗ, VTL đề ra một số giải pháp trong năm 2023. Theo đó, đối với công tác thị trường, công ty sẽ có một số giải pháp như mở rộng mạng lưới nhà phân phối tại miền Trung và miền Nam, xây dựng lại cơ cấu giá bán hàng hóa cho các kênh tiêu thụ trọng điểm, thay đổi hình thức hợp tác với các nhà phân phối để phát triển thị trường.
Công ty cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 50,6 tỷ đồng lên 101,2 đồng theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Lãnh đạo VTL cho biết, công ty đang trong quá trình thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ nhằm tái cơ cấu nợ, giảm áp lực tài chính và bổ sung vốn lưu động. Khoản vốn tăng thêm này sẽ giúp công ty có thêm nguồn tiền để thanh toán các khoản nợ, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động của Công ty không bị gián đoạn vị thiếu vốn.
Trên thị trường, giá cổ phiếu VTL đang dừng ở mức 12.200 đồng/cổ phiếu tại ngày 24/4/2023. Thị giá vốn hóa trên thị trường đạt khoảng 123,5 tỷ đồng.