Lo ngại trước làn sóng ví điện tử “bán mình”

Việc hàng loạt trung gian thanh toán, ví điện tử bán cổ phần cho đối tác nước ngoài khiến cơ quan quản lý phải dè chừng, bởi an ninh tiền tệ quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ
Lo ngại trước làn sóng ví điện tử “bán mình”

Khó vào ngân hàng, vốn ngoại “thò chân” vào ví điện tử

Hẹp cửa đầu tư vào ngân hàng, nhưng các nhà đầu tư ngoại không mấy khó khăn khi tấn công vào thị trường thanh toán trị giá hàng tỷ USD của Việt Nam, thông qua mua cổ phần của trung gian thanh toán.

Từ chối trả lời về việc đổ vốn mua lại hơn 3,5% cổ phần của Access Venture Capital tại Moca, song việc lãnh đạo chủ chốt của Grab có mặt trong HĐQT của Moca đã chứng thực điều này.

Moca không phải là trung gian thanh toán đầu tiên “bán mình” cho vốn ngoại. Trước đó, hàng loạt ví điện tử khác cũng đã “bán mình” ngay khi được đối tác ngoại có tiềm lực “ngỏ lời”. Cho đến nay, hầu hết trung gian thanh toán đình đám tại Việt Nam đều có sự tham gia của vốn ngoại.

Đơn cử, 1Pay bán 90% cổ phần cho TrueMoney - một doanh nghiệp Thái Lan có cổ đông lớn là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc); VNPT Epay bán 65% vốn cho 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%); MOL Accessportal mua 50% vốn của Ngân Lượng, NTT Data mua 64% cổ phần Payoo, một nhóm nhà đầu tư ngoại khác cũng mua 25% cổ phần của Bảo Kim…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc sáng lập một trung gian thanh toán cho hay: “Chủ sáng lập các ví điện tử thường là start-up mỏng vốn, trong khi đó, để cạnh tranh với ngân hàng, các ví điện tử khác và các trung gian thanh toán vẫn phải mất rất nhiều tiền để khuyến mãi nhằm khuyến khích người dân thanh toán qua ví điện tử. Để đi đường dài, buộc phải tìm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, nhưng do các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước không mấy mặn mà, việc trung gian thanh toán tìm đến nhà đầu tư ngoại là tất yếu”.

Về phía nhà đầu tư ngoại, việc tìm cách sở hữu cổ phần của các trung gian thanh toán Việt không có gì khó hiểu. Họ đã nhận thấy cơ hội béo bở ở thị trường thanh toán phi tiền mặt trị giá hàng tỷ USD của Việt Nam, đang tăng trưởng với tốc độ 50%/năm.

Lo ngại khó kiểm soát đánh bạc, rửa tiền, thanh toán chui…

Hiện chưa có các quy định về điều kiện góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo NHNN, trung gian thanh toán là hoạt động có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Chính vì vậy, cơ quan này đang nghiên cứu quy định về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này.

NHNN cho rằng, việc quy định về tỷ lệ góp vốn của khối ngoại sẽ giúp các trung gian thanh toán trong nước thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, song vẫn đảm bảo cơ quan lý giám sát được hoạt động của các công ty này, đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh, giữ an ninh, chủ quyền tiền tệ quốc gia, phòng, chống rửa tiền…

Thực tế, thời gian qua, nhiều lỗ hổng trong hoạt động của các trung gian thanh toán đã được phát hiện. Cụ thể, vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cửa hàng ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang chấp nhận cho khách thanh toán bằng WeChat Pay, Alipay, tiền chảy thẳng ra nước ngoài mà không hề thông qua hệ thống ngân hàng trong nước. Tương tự, việc một số cổng thanh toán như VNPT Epay tiếp tay cho các đường dây đánh bạc ngàn tỷ là những cảnh báo rất rõ.

TS. luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các trung gian thanh toán, nhất là hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài… nếu không sẽ còn nhiều trường hợp như VNPT Epay.

Cho đến nay, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về việc có nên hay không nên khống chế room vốn ngoại tại các trung gian thanh toán.

Một luồng ý kiến cho rằng, sự phát triển của các ví điện tử là xu hướng tất yếu và đang hỗ trợ rất tốt cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, vốn đang ở giai đoạn đầu ở Việt Nam. Với tiềm lực vốn nhỏ bé và công nghệ sơ khai của các ví điện tử của Việt Nam, rất nên mở cửa để hút vốn và công nghệ nước ngoài vào phát triển thị trường này.

Luồng ý kiến còn lại lo ngại, nếu các doanh nghiệp nước ngoài được sở hữu chi phối các công ty trung gian thanh toán, dần dần làm chủ thị trường ngách này, NHNN sẽ khó kiểm soát, dẫn đến các rủi ro chuyển tiền chui, đánh bạc, rửa tiền…

Có nên hạn chế room cho vốn ngoại?

Chưa rõ trong dự thảo sửa đổi cuối cùng, NHNN sẽ chọn phương án mở cửa hay khống chế room cho vốn ngoại tại các trung gian tài chính. Song dường như, cơ quan này đang nghiêng về phương án khống chế.

NHNN cho rằng, là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, do đó, để tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế hiện nay, một số ngành, phân ngành cũng đã quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài như: hoạt động ngân hàng cổ phần không quá 30%, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện theo quy định của công ty đại chúng không quá 49%,...

Trong lúc NHNN chưa công bố quy định về vấn đề này, các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, nhà băng nên thay vì nhăm nhăm thu phí, cần khẩn trương giành lấy khách hàng.

So sánh một cách đơn giản: Thanh toán qua ngân hàng mất đủ loại phí trong khi thanh toán qua ví vừa miễn phí (hoặc phí rất ít) lại còn được khuyến mãi thêm tiền, người tiêu dùng không mấy khó khăn lựa chọn. Với sự xuất hiện của hàng loạt đại gia ngoại, các ví điện tử tới đây sẽ còn phát triển bùng nổ, thu hút ngày càng đông đảo người tiêu dùng.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần nhanh chóng bắt tay với trung gian thanh toán trong nước, thiết lập liên minh để làm đối trọng với nước ngoài, nếu không muốn thị trường Việt Nam giống như Trung Quốc, nơi mà thị phần thanh toán của nhiều ngân hàng đã bị các ví điện tử như Alipay, WeChat Pay nuốt trọn.

Theo Infomoney

infomoney.vn/lo-ngai-truoc-lan-song-vi-dien-tu-ban http://infomoney.vn/lo-ngai-truoc-lan-song-vi-dien-tu-ban-minh-d87792.html

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...