Trong vòng từ tháng 4/2025 trở lại đây, loạt giao dịch cổ phiếu từ các cổ đông nội bộ đã và đang diễn ra sôi động, trải dài nhiều ngành nghề từ tài chính, ngân hàng cho đến bất động sản và năng lượng,... Đáng chú ý, không chỉ dừng ở quy mô vài trăm ngàn cổ phiếu, nhiều thương vụ đã đạt con số hàng triệu đơn vị, kéo theo số tiền bỏ ra có thể lên đến hàng chục tỷ đồng cho mỗi cá nhân.
Tại ngành tài chính, ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Everest (mã chứng khoán: EVS) đã đăng ký mua vào 2,2 triệu cổ phiếu EVS, dự kiến thực hiện từ 28/4 đến 28/5. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Châu sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,28% và trở thành cổ đông lớn chính thức. Với mức giá khoảng 5.600 đồng/cổ phiếu trong thời điểm hiện tại, ước tính khoản đầu tư lần này của ông Châu vào khoảng 12,3 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng SeABank cũng công bố kế hoạch mua vào 1 triệu cổ phiếu SSB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch hoàn tất, bà Nga sẽ nâng tổng cổ phần nắm giữ lên gần 117,1 triệu đơn vị, tương đương 4,115% vốn điều lệ ngân hàng, với số tiền chi ra ước tính trên 18,5 tỷ đồng.
Dù không tạo ra thay đổi lớn về tỷ lệ nắm giữ, nhưng việc tăng dần quyền kiểm soát vẫn là xu hướng đáng chú ý ở các ngân hàng có cấu trúc sở hữu phân tán.

Không chỉ các lãnh đạo cấp cao, người thân của họ cũng bắt đầu tham gia “săn hàng”. Đơn cử, trong lĩnh vực năng lượng, bà Đặng Thị Ngọc Bích, vợ của ông Lương Ngọc Anh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) vừa hoàn tất mua vào hơn 1,5 triệu cổ phiếu NT2 qua giao dịch thỏa thuận, dù trước đó không sở hữu cổ phần nào.
Giao dịch giúp bà Bích chính thức gia nhập nhóm cổ đông đáng chú ý với tỷ lệ nắm giữ 0,53%, con số không quá lớn nhưng có thể mở đầu cho chiến lược gom hàng lâu dài.
Ở lĩnh vực bất động sản, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) cho thấy bước đi mạnh tay hơn khi mua vào tới 23 triệu cổ phiếu HQC chỉ trong vài ngày cuối tháng 4, nâng tổng số cổ phần sở hữu lên 25 triệu đơn vị, tương đương 4,33% vốn điều lệ.
Cũng không kém phần đáng chú ý, ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch DIC Holdings đã hoàn tất mua gần 957.000 cổ phiếu DC4, nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,29% lên 12,39%. Tuy nhiên, ông Thắng không mua đủ 1 triệu cổ phiếu như đã đăng ký trước đó và cho biết nguyên nhân là “do thay đổi kế hoạch đầu tư”.
Nếu như ngành tài chính mở màn chuỗi giao dịch lớn, thì các ngành logistics, thủy sản, thực phẩm và tiêu dùng cũng nhanh chóng nối gót với những động thái tương tự, cho thấy xu hướng mua vào cổ phiếu từ các lãnh đạo doanh nghiệp đã lan rộng trên toàn thị trường.
Tại Công ty Cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD), ba lãnh đạo cấp cao đồng loạt đăng ký mua tổng cộng 2,5 triệu cổ phiếu từ ngày 15/4 đến 14/5. Cụ thể, ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu, ông Vũ Ninh Thành viên Hội đồng quản trị cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu và ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.
Trong ngành thủy sản, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) đã đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu ANV, nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân từ mức vốn đã rất lớn là 53,85%. Dù đã nắm giữ hơn 143 triệu cổ phiếu, ông Tới vẫn tiếp tục gia tăng quyền kiểm soát tại doanh nghiệp.
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống cũng ghi nhận giao dịch đáng chú ý từ lãnh đạo. Vào cuối tháng 4, ông Dương Đức Tính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ASG (mã chứng khoán: ASG) đăng ký mua 3,5 triệu cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,4% lên 13,3%. Tạm tính theo thị giá 17.500 đồng/cổ phiếu, ông Tính sẽ phải chi hơn 61 tỷ đồng cho thương vụ này.
Không kém phần ấn tượng, bà Ngô Thị Hạnh, vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần City Auto (mã chứng khoán: CTF) cũng vừa đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu từ ngày 7/5 đến 5/6. Nếu thành công, bà Hạnh sẽ nâng sở hữu từ 0,16% lên 6,43%, đồng nghĩa với khoản chi khoảng 131 tỷ đồng theo giá hiện tại.
Điểm chung của hầu hết các giao dịch trên là đều diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm tác động từ chính sách thuế quan Mỹ, tâm lý phòng vệ của nhà đầu tư, và sự thiếu ổn định của dòng tiền.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng rằng việc mua vào cổ phiếu chưa chắc đồng nghĩa với tăng trưởng thực tế của doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị và khả năng thích ứng với các biến động vĩ mô. Dù vậy, những động thái vừa qua có thể giúp khơi lại lòng tin tạm thời cho thị trường.