Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã chứng khoán: FRT) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 dự kiến diễn ra ngày 25/4 tới đây tại TP.HCM.
Theo tài liệu, FPT Retail dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 48.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 71% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, FPT Retail sẽ phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận.
Trước đó, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 40.104 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 26% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 527 tỷ đồng và 408 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch đề ra và cải thiện đáng kể so với số lỗ sau thuế hơn 329 tỷ đồng của năm 2023.
Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị FPT Retail đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% cho năm 2024.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị FPT Retail cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh là Hoạt động trung gian tiền tệ khác (Hoạt động đại lý thanh toán). Lý do doanh nghiệp đưa ra là để tận dụng lợi thế mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi đạt mốc đỉnh lịch sử gần 206.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 1/2025, cổ phiếu FRT của FPT Retail trượt dốc không phanh. Thị giá cổ phiếu này hiện đã về vùng đáy 1 năm quanh 140.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 30% so với đỉnh. Tính riêng trong quý 1/2025, cổ phiếu này đã đánh mất 19% giá trị.

Trước khi giảm điểm, cổ phiếu FRT đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ khi thị giá tăng gần gấp đôi trong năm 2024, thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới đầu tư khi thị giá liên tục lập đỉnh mới.
Có thời điểm, vốn hóa của FPT Retail vượt mốc 1 tỷ USD, đưa mã này vào nhóm cổ phiếu đáng chú ý nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Động lực chính đến từ sự bứt phá của chuỗi nhà thuốc Long Châu – thương hiệu sở hữu hơn 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Thậm chí, nhiều công ty chứng khoán hồi đầu năm còn đưa ra những dự phóng lạc quan về giá cổ phiếu.
Điển hình, Chứng khoán SSI từng có báo cáo hồi giữa tháng 3/2025, kỳ vọng rằng giá mục tiêu cổ phiếu FRT có thể đạt 220.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2025, tương đương tiềm năng tăng giá là 24%. Nhóm phân tích cho rằng việc tăng vốn cho Long Châu sẽ là yếu tố hỗ trợ đối với cổ phiếu, bên cạnh triển vọng lợi nhuận tích cực.
Tương tự, Chứng khoán KBSV nêu rõ với triển vọng tăng trưởng tích cực của chuỗi nhà thuốc Long Châu cùng tham vọng mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, KBSV khuyến nghị “mua” cổ phiếu FRT cho năm 2025 với giá mục tiêu 218.200 đồng/cổ phiếu, tăng 21,5% so với giá ngày 4/3/2025.
Một công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng khuyến nghị đối với cổ phiếu này với giá kỳ vọng 203.800 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cuối năm. Ngoài kết quả kinh doanh được dự phóng tăng trưởng mạnh, BVSC cho rằng trong ngắn hạn thương vụ bán vốn tại Long Châu hoàn thành sẽ góp phần hỗ trợ cổ phiếu FRT.
Với mức tăng ấn tượng, không khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ lớn có động thái chốt lời để hiện thực hóa lợi nhuận. Tại vùng đỉnh, P/E của FRT lên tới gần 90 lần – cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thị trường, phản ánh kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực điều chỉnh mạnh nếu kỳ vọng không được hiện thực hóa ngay lập tức.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tính từ đầu năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khoảng 1.400 tỷ đồng khỏi FRT, góp phần tạo áp lực giảm giá trong bối cảnh thị trường chung thiếu động lực dẫn dắt rõ ràng.
Mặt khác, việc cổ phiếu cùng “họ” là FPT (Công ty Cổ phần FPT) trong xu hướng giảm cũng là yếu tố khiến cổ phiếu FRT bị “xa lánh”. Tính từ đầu năm, vốn hóa của FPT đã "bốc hơi" gần 20%, tương đương khoảng 42.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, với áp lực bán chưa có hồi kết từ nhà đầu tư ngoại, nhiều khả năng FPT sẽ tiếp tục dò đáy trong các phiên tới.