Lợi nhuận loạt doanh nghiệp “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán

Sau kiểm toán báo cáo tài chính, nhiều doanh nghiệp “hân hoan” báo lãi tăng, song cũng có không ít doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ…

doanh-nghiep-nao-khong-can-lap-bao-cao-tai-chinh-1311152725-6757.jpeg

Sau mùa kiểm toán, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Ngược lại, cũng có các công ty hao hụt gần hết lợi nhuận, thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ. Đây là câu chuyện không mới, nhưng luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, bởi nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng như doanh thu, lợi nhuận thay đổi, làm ảnh hưởng đến những kỳ vọng cũng như quyết định của các cổ đông.

LỢI NHUẬN GIẢM MẠNH SAU KIỂM TOÁN

Trong số các doanh nghiệp báo lãi giảm sau kiểm toán, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) là trường hợp điển hình nhất khi lãi ròng của doanh nghiệp này giảm từ 265 tỷ đồng xuống còn 16,4 tỷ đồng, chênh lệch 248,6 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập.

Theo giải trình của doanh nghiệp, chênh lệch lợi nhuận xuất phát từ các yếu tố như doanh thu điều chỉnh giảm 19,4 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán tăng 15,7 tỷ đồng, do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập.

Đáng chú ý, khoản lãi từ công ty liên kết giảm mạnh từ 315,8 tỷ đồng xuống còn 527,1 triệu đồng đến từ việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ, do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập, và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.

Tương tự, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) cũng bị hao hụt lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Novaland sau kiểm toán còn 485,8 tỷ đồng, giảm 199 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Với kết quả này, lãi ròng năm 2023 của Novaland giảm 78% so với cùng kỳ.

Novaland cho biết, nguyên nhân phát sinh chênh lệch chủ yếu do khoản lỗ đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết theo yêu cầu từ đơn vị kiểm toán. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Trong báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán độc lập đã lưu ý về giả định hoạt động liên tục của Novaland. Kiểm toán viên cho rằng thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hoạt động của tập đoàn.

Giả định hoạt động liên tục phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn cũng như có giải pháp tạo dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Các yếu tố cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Giải trình vấn đề này, Novaland cho biết công ty đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn, việc chậm trễ pháp lý đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty.

Đến thời điểm hiện tại, Novaland cho rằng doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tập trung xây dựng các dự án trọng điểm, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng với sự đồng hành của các đối tác tài chính, đồng thời cũng linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai các dự án mới cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC) với khoản lỗ ròng rơi xuống mức âm 1.115 tỷ đồng, thay vì lỗ 545,1 tỷ như báo cáo tự lập. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn này theo đó thu hẹp còn 93,3 tỷ đồng, giảm đến 92,2% so với thời điểm kết thúc năm 2022.

Lỗ sau thuế của Xây dựng Hòa Bình biến động mạnh chủ yếu liên quan đến chi phí quản lý doanh nghiệp. Theo đó, công ty tự lập khoản phí này tốn 482,9 tỷ đồng, trong khi báo cáo kiểm toán đưa ra con số 757,7 tỷ đồng, tăng 57%.

Nguyên nhân do ở báo cáo tự lập, Xây dựng Hòa Bình hoàn nhập hơn 310 tỷ đồng từ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Đến khi kiểm toán, AASC không ghi nhận khoản hoàn nhập trên mà vẫn thống kê chi phí dự phòng 417,5 tỷ đồng.

Sau kiểm toán năm 2023, doanh thu giảm 9,33 tỷ đồng, về 7.537,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 333,06 tỷ đồng, từ lỗ 782,28 tỷ đồng tăng lên lỗ tới 1.115,34 tỷ đồng. Trong đó, biến động mạnh nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng thêm 274,79 tỷ đồng sau kiểm toán, từ 482,91 tỷ đồng, lên 757,7 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023 đã khiến Xây dựng Hòa Bình nâng tổng lỗ luỹ kế lên 3.240 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, lỗ luỹ kế của Xây dựng Hòa Bình đã vượt vốn điều lệ công ty.

Lợi nhuận loạt doanh nghiệp “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán ảnh 2

Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) ghi nhận đạt 4.139 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này đã giảm tới 1.088 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 5,7% so với năm 2022.

Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, ngân hàng OCB cho biết, nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 chuyển sang hạch toán trong năm 2024 và tăng chi phí dự phòng.

Về chi tiết, mảng thu nhập từ lãi thuần của OCB được điều chỉnh giảm thêm 525 tỷ đồng, từ 7.290 tỷ đồng xuống còn 6.765 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng được điều chỉnh tăng 501 tỷ đồng từ 1.126 tỷ đồng lên 1.627 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác trong báo cáo vẫn giữ nguyên như trước.

Theo số liệu trên báo cáo kiểm toán, tổng tài sản có của OCB tại thời điểm cuối năm 2023 là 240.114 tỷ đồng, trong đó dư nợ thị trường 1 đạt 148.005 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,02%.

NGƯỢC DÒNG BÁO LÃI TĂNG

Trái ngược với những doanh nghiệp có lợi nhuận sau kiểm toán sụt giảm mạnh, không ít những doanh nghiệp lại “hân hoan” báo lãi tăng so với báo cáo tài chính tự lập.

Điển hình, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 mới công bố, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF (mã chứng khoán: BAF) chỉ giảm nhẹ 1% về mức 5.199 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay có sự điều chỉnh giảm 13%, xuống chỉ còn 141 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm nhẹ xuống 93 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế tăng từ 23,3 tỷ đồng lên 30,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 30%.

Lý giải về sự thay đổi này, Nông nghiệp BAF cho biết, trong quá trình tự lập báo cáo tài chính, công ty đã thực hiện việc trích trước một số chi phí dự kiến phát sinh mà tại thời điểm đó chưa có hoá đơn, chứng từ đầy đủ.

Tuy nhiên, vào thời điểm báo cáo tài chính kiểm toán thực hiện, Nông nghiệp BAF đã thu thập đủ hoá đơn chứng từ liên quan, cho phép công ty điều chỉnh và ghi nhận các chi phí này một cách chính xác theo số liệu thực tế đã phát sinh, do đó lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh tăng lên so với báo cáo tự lập ban đầu.

Tin vui cũng đến với cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán: KDC) khi lãi ròng của công ty ghi nhận tăng mạnh sau kiểm toán. Cụ thể, ông lớn ngành thực phẩm ghi nhận lãi ròng hơn 135,1 tỷ đồng, tăng 33% so với trước khi kiểm toán.

Theo lý giải từ KIDO, phần lãi tăng thêm đến từ việc điều chỉnh lại chi phí trích lập trước và trích lập dự phòng. Tuy vậy, lợi nhuận sau kiểm toán của công ty này vẫn giảm tới 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Xem thêm

Thép Việt Đức “cài số lùi” cho mục tiêu kinh doanh, dự kiến xuất khẩu sang Australia và Indonesia trong năm 2024

Thép Việt Đức “cài số lùi” cho mục tiêu kinh doanh, dự kiến xuất khẩu sang Australia và Indonesia trong năm 2024

Theo Chủ tịch Lê Minh Hải, việc đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024 giảm so với thực hiện năm trước dựa trên cơ sở giá bán thép thay đổi ở từng thời điểm. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến mở rộng xuất khẩu sang thị trường Australia và Indonesia trong năm nay...

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...