Theo BCTC, doanh thu hoạt động tài chính trong 6 tháng đầu năm của Sabeco sau soát xét, đạt 1.094 tỷ đồng, tức là cao hơn 65 tỷ đồng so với mức 1.029 tỷ đồng ở báo cáo tự lập.
Chi phí bán hàng được kiểm toán tăng thêm đến 132 tỷ đồng, trong đó, khoản chi phí hỗ trợ bán hàng chiếm tỉ trọng cao nhất trong chi phí bán hàng, với con số 374 tỷ đồng. Nguyên nhân của con số hỗ trợ bán hàng lớn này là do Nghị quyết của HĐQT từ 29/12/2016, toàn bộ chi phí hỗ trợ bán hàng của 10 công ty khu vực thuộc Sabeco, đều do Tổng Công ty chi trả.
Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận thấp hơn 28 tỷ đồng so với tự lập.
Tính đến 30/6/2017, Sabeco có lượng tiền mặt khá dồi dào so với thời điểm cuối năm 2016. Cụ thể, tổng giá trị tiền và các khoản tương đương tiền đang ở mức 3.687 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với mức 1.880 tỷ đồng ghi nhận vào ngày 31/12/2016.
Ngoài ra còn có giá trị tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng đạt 3.100 tỷ đồng, chiếm phần lớn lượng tài sản ngắn hạn mà Sabeco nắm giữ. Khoản mục này tăng 160 tỷ đồng so với cuối năm 2016.
Sabeco cũng có khoản đầu tư vào các công ty con đạt 2.697 tỷ đồng, giảm 13 tỷ với kỳ báo cáo trước.
Các khoản đầu tư vào đơn vị khác ghi nhận Sabeco đã thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá gốc là 36,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu là 0,47%.
Hiện, Sabeco vẫn còn nắm giữ 2,75% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 0,95% cổ phần Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Trong đó, dự phòng đầu tư tại OCB là hơn 154 tỉ đồng, tại DongA Bank là toàn bộ giá trị gốc 136 tỉ đồng.
>> Chính phủ sẽ bắt đầu thoái vốn khỏi Sabeco vào quý 4/2017