LPBank chính thức công bố tên thương mại mới: Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Với tên gọi mới là Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam, từ "Lộc" mang ý nghĩa sự may mắn, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh không chỉ dành cho khách hàng mà còn cho chính Ngân hàng. "Phát" là kết quả tốt đẹp của sự hợp tác và phát triển...

Trụ sở Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) tại 17 phố Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Trụ sở Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) tại 17 phố Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ngày 15/7/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 423/QĐ-TTGSNH2 về việc sửa đổi nội dung Tên Ngân hàng tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) chính thức đổi tên thương mại là Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam, tên tiếng Anh là Fortune Vietnam Joint Stock Commercial Bank, tên viết tắt bằng tiếng Anh là LPBank và mã chứng khoán niêm yết là LPB vẫn giữ nguyên. LPBank khẳng định việc thay đổi tên gọi sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng, đối tác và cổ đông.

Việc thay đổi tên gọi, nhận diện thương hiệu đánh dấu khởi đầu giai đoạn phát triển mới của LPBank với chiến lược kinh doanh mới, hướng tới những giá trị mới cho khách hàng, đối tác và cổ đông. Trước đó, kế hoạch thay đổi tên thương mại đã được Đại hội đồng cổ đông LPBank thông qua vào ngày 17/4/2024.

Với tên gọi mới là Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam, từ "Lộc" mang ý nghĩa sự may mắn, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh không chỉ dành cho khách hàng mà còn cho chính Ngân hàng. "Phát" là kết quả tốt đẹp của sự hợp tác và phát triển, đồng thời thể hiện tầm nhìn của Ngân hàng trong việc tiến tới sự phồn vinh và thịnh vượng cùng khách hàng, cộng đồng và đất nước.

Trên chặng đường hơn 16 năm phát triển, LPBank luôn chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước và đã gặt hái được nhiều thành tựu. Từ một Ngân hàng nhỏ, được thành lập mới từ năm 2008 đến nay, LPBank đã vươn mình trở thành một trong 14 ngân hàng quan trọng nhất hệ thống, lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu năm 2024, sở hữu nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank, đã nhấn mạnh: “Với việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của tên gọi cũ, LPBank quyết định thay đổi tên để phù hợp với giai đoạn phát triển mới nhằm thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, phát triển bền vững và thận trọng. Tên gọi Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam không chỉ đồng nhất giữa tên thương mại, tên viết tắt LPBank và mã chứng khoán LPB, mà còn đáp ứng kỳ vọng của Ban lãnh đạo Ngân hàng, cam kết gia tăng tối đa giá trị lợi ích cho cổ đông, đối tác và khách hàng”.

Thương hiệu LPBank, đã xác lập chỗ đứng trên thị trường với vị thế của một Ngân hàng có mạng lưới lớn nhất với hơn 1.200 điểm giao dịch trải dài khắp 63 tỉnh thành tới tận các huyện thị, cùng với phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm” được thể hiện trong từng giao dịch dù là nhỏ nhất. Phát huy thế mạnh của một Ngân hàng có mạng lưới rộng lớn, với việc có tên gọi thương mại mới, LPBank sẽ tiếp tục hành trình với sứ mệnh mang các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt nhất đến với người dân trên khắp cả nước.

Mới đây, LPBank công bố Ngân hàng sẽ xem xét trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến vào tháng 9/2024. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 16,8%. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của LPBank đạt 29.872 tỷ đồng, thuộc Top các nhà băng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông LPBank cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Nguồn vốn huy động thị trường ước tăng 11% lên 317.380 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…