Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty TNHH Manulife Investment (Việt Nam) cho biết đã nhận ủy thác đầu tư từ Công ty TNHH Manulife Việt Nam với tổng giá trị 100.218 tỷ đồng. Nguồn tiền đầu tư đến từ các khách hàng mua bảo hiểm, số tiền này đã tăng thêm gần 15.906 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Mặc dù tổng số tiền đầu tư tăng lên, nhưng lượng tiền gửi mà Manulife ủy thác cho công ty quản lý quỹ này lại giảm hơn 1.261,8 tỷ đồng còn 12.707 tỷ đồng. Khi mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã hạ thì Manulife đã tăng cường đầu tư vào những kênh đầu tư nhiều "rủi ro" hơn, bao gồm chứng khoán vốn và chứng khoán nợ.
Cụ thể, danh mục ủy thác đầu tư vào chứng khoán vốn mà Manulife Việt Nam ủy thác cho Manulife Investment đầu tư đã tăng thêm hơn 3.428 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lên mức 15.414 tỷ đồng. Những cổ phiếu mà quỹ này đầu tư vào bao gồm nhiều mã blue-chips như GAS, VHM, VIC, HPG, VRE, VPB, VNM...
Trong đó, khoản đầu tư vào GAS có giá trị lớn nhất, đạt 625,3 tỷ đồng; tiếp theo là VHM (596,1 tỷ đồng), TCB (575,8 tỷ đồng), SAB (508,4 tỷ đồng), VNM (492,5 tỷ đồng), VPB (377,1 tỷ đồng), MBB (286,5 tỷ đồng), VIC (206,5 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, không chỉ ủy thác đầu tư, Manulife Việt Nam cũng tích cực giải ngân trên thị trường chứng khoán.
Nếu như trong giai đoạn 2015-2016, công ty chỉ nắm hai mã blue-chips là VNM của Vinamilk và GAS của PV Gas với giá trị chỉ vào khoảng vài chục tỷ (trong khi tổng giá trị tiền và tương đương tiền nắm giữ là hàng ngàn tỷ đồng) thì từ năm 2017, Manulife Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào chứng khoán với giá trị danh mục vượt hơn 1.100 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng của giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu ghi nhận tăng trung bình 70%/năm trong giai đoạn 2015-2022, đặc biệt tăng bằng lần trong 2 năm thị trường tăng nóng là 2020-2021. Công ty cũng thay đổi khẩu vị và chấp nhận rủi ro hơn, dự phòng giảm giá hàng năm vào mức hàng trăm tỷ.
Cuối cùng, 72% số tiền ủy thác từ Manulife, tương đương 72.096 tỷ đồng được Manulife Investment đầu tư vào chứng khoán nợ. Con số này đã tăng 13.740 tỷ đồng sau nửa năm. Công ty quản lý quỹ này đã đầu tư mua trái phiếu của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng có dư nợ và phát hành trái phiếu lớn như Trung Nam Group, Vingroup, Masan Group và cả trái phiếu ngân hàng như LPBank, HDBank, ACB.
Trong nửa đầu năm 2023, Manulife Investment ghi nhận 150,2 tỷ đồng phí quản lý danh mục đầu tư từ Manulife Việt Nam, chiếm 94,9% tổng doanh thu. Trừ đi chi phí, công ty quản lý quỹ này báo lãi sau thuế 107 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Manulife Investment đạt 622,3 tỷ đồng, tăng 21,4% so với đầu năm. Trong đó, có tới 557,9 tỷ đồng là tiền gửi tại ngân hàng, kỳ hạn 3-12 tháng, lãi suất 4,6-8,8%/năm.
Về Công ty TNHH Manulife Investment Việt Nam, đơn vị này là chi nhánh Tập đoàn Quản lý Quỹ Manulife Toàn cầu tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2005. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán. Vốn điều của đơn vị này ở mức 83 tỷ đồng.