Năm 2020 với sự khởi đầu của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn thế giới lảo đảo, chuỗi cung ứng đứt gãy, gây ra hệ luỵ nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. “Báo lỗ”, “phá sản”, “tăng trưởng âm” là những cụm từ thường thấy khi đọc tin tức về các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Ngành may mặc cũng không nằm ngoài xu thế, và CTCP May Sông Hồng (mã: MSH) được xem là một đại diện tiêu biểu của dệt may Việt Nam.
Lợi thế của ngành
Dệt may là ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp khắp cả nước. Đồng nghĩa rằng, ngành dệt may đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như vấn đề an sinh – xã hội, và vấn nạn thất nghiệp.
Ngoài ra, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Thiết bị điện tử. Từ 2 lý do trên, đây là một ngành có sự chú trọng và quan tâm đến nhất định từ phía Chính phủ.
Trên thực tế, trong giai đoạn Covid-19, Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng như giãn, miến thuế; nới rộng thời gian trả lãi vay ngân hàng.
Theo số liệu của Trademap, kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm 14,7% so với cùng kỳ . Tất nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 cũng giảm tới 13,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 đạt 15,68 tỷ USD.
Kết quả này cho thấy tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng chung đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, Trademap dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong 2 quý còn lại với nguyên nhân chính đến từ đại dịch Covid-19.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Do đó, năm 2020 ngành dệt may vẫn đang bị bao phủ bới “bóng đen Covid-19”.
Đại dịch Covid-19 có thể gây thách thức cho ngành này trong 1-2 năm tới trong bối cảnh nền kinh tế cần thời gian phục hồi. Tuy nhiên, xét về dài hạn 5-10 năm, dệt may có thể được xem là điểm sáng khi kinh tế thế giới có hướng phục hồi và tăng trưởng đi lên, niềm tin tiêu dùng tăng lên, nhu cầu mua sắm cho may mặc cũng từ đó khả quan, tạo tiền đề cho ngành dệt may phát triển.
Đặc biệt, với xu thế toàn cầu hóa, những hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa các quốc gia được cho là sẽ tạo động lực thúc đẩy cho ngành dệt may trong tương lai xa.
Năng lực của doanh nghiệp
Cũng như các doanh nghiệp trong ngành khác, May Sông Hồng phải đối mặt với tình trạng giãn hoặc hủy đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp có khả năng bị mất thanh khoản do vốn bị tồn đọng ở nguyên phụ liệu và thành phẩm, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động.
Ngoài ra, tác động của dịch bệnh đã khiến một trong những khách hàng lớn của doanh nghiệp là NY & Company đã đệ đơn phá sản, gây rủi ro đến khả năng thanh toán 219 tỷ cho May Sông Hồng. Bởi đây là khoản chiếm đến 13% tổng doanh thu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm khách hàng mới thay thế.
Thông tin “khách sộp” phá sản cũng khiến cổ phiếu MSH bị bán tháo trong những phiên giao dịch giữa tháng 7, thị giá cổ phiếu lao dốc về mức giá dưới 30.000 đồng/cp với nhiều phiên giảm sàn.
Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt trong tệp khách hàng của May Sông Hồng bởi những đối tác khác đều có cấu trúc tài chính khá lành mạnh như G-III Apparel Group và Comlumbia Soprtwear đều đang niêm yết trên sàn Nasdaq, không có nợ vay.
Hơn nữa, dù chịu tác động từ dịch bệnh khiến kết quả kinh doanh của năm 2020 có thể chứng kiến sự sụt giảm nhưng nhìn về các năm trước May Sông Hồng luôn là một doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, lợi suất cổ tức hằng năm nằm ở mức 10-12%/ năm.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, nếu dịch Covid-19 có thể được kiểm soát hoàn toàn từ năm 2021 thì doanh thu và lợi nhuận của May Sông Hồng sẽ dần phục hồi.
“Năm 2020 tôi kỳ vọng May Sông Hồng có 70% đơn đặt hàng so với 2019, năm 2021 con số này kỳ vọng tăng lên 90%”, bà Hà Giang – chuyên gia phân tích VNDirect cho biết.
Hỗ trợ đà tăng cho doanh nghiệp đến từ việc xây dựng và hoàn thành Nhà máy SH10 vào quý III/2021 giúp nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch một phần và đã mở cửa thông quan hàng hoá giúp giảm bớt gánh nặng thanh khoản của các doanh nghiệp dệt may nói chung và May Sông Hồng nói riêng.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ cuối tháng 8 đến nay, cổ phiếu MSH đã hồi phục về vùng giá 33.000 đồng/cp nhưng các chuyên gia phân tích vẫn cho rằng, cổ phiếu đang bị định giá rẻ khi chỉ số P/E hiện mới chỉ đạt 4,49 lần trong khi mức hợp lý phải là 6 lần.