Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank – mã chứng khoán: MBB) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới) là 8/1/2025. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/1/2025.
Nguồn phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối năm 2023 của ngân hàng. Phương án trên đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua.
Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của MB sẽ tăng thêm tối đa 7.959 tỷ đồng, từ 53.063 tỷ đồng lên khoảng 61.022 tỷ đồng.
Trước đó, ngân hàng MB đã phát hành xong toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã đăng ký, giúp vốn tăng thêm 192,4 tỷ đồng, ngân hàng chính thức nâng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng.
Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MBBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của MB sau khi hoàn thành tất cả những kế hoạch trên sẽ là 61.643 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 26/12, thị giá cổ phiếu MBB đóng cửa ở mức 24.900 đồng/cổ phiếu, tăng 1,84% so với phiên liền kế. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng trưởng khoảng 36%.
Trước MBBank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV – mã chứng khoán: BID) cũng vừa chốt danh sách cổ đông vào ngày 24/12/2024 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21% (cổ đông 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận 21 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành là lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm tối đa gần 11.971 tỷ đồng, từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng.
Trong năm 2024, BIDV chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của BIDV diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank – mã chứng khoán: LPB) mới đây cũng đã thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 30/12/2024.
Theo đó, LPBank sẽ phát hành gần 429,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng với tỷ lệ là 16,8%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.297 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành là từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của LPBank. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ LPBank sẽ tăng từ 25.576 tỷ đồng lên 29.873 tỷ đồng.
Bên cạnh hai ngân hàng nêu trên, Vietcombank cũng đang thực hiện những bước cuối cùng để trả cổ tức cho cổ đông.
Trước đó, ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng.
Với việc được Quốc hội thông qua chủ trương, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng – dự kiến đứng đầu hệ thống ngân hàng.
Sau đợt phát hành gần 857 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023 để trả cổ tức còn lại của năm 2019 và 2020, Vietcombank hiện vẫn chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào trong năm 2024 dù đang triển khai cùng lúc nhiều kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối các năm trước.a