Sáng 26/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 6 Điều 52 Luật Các TCTD, các TCTD cổ phần (bao gồm cả ngân hàng thương mại) phải có từ 100 cổ đông trở lên (là công ty đại chúng).
Mặt khác, theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, một trong các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn này là phấn đấu hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm niêm yết là quyền của từng TCTD, do đại hội đồng cổ đông quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không quy định trong Luật về việc miễn nhiệm Hội đồng quản trị, Ban giám đốc ngân hàng trong trường hợp này.
Một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, đặc biệt đối với người quản trị, điều hành TCTD có vốn nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc của TCTD đã được quy định cụ thể tại Luật Các TCTD, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn so với quy định trước đây.
Quy định của dự thảo Luật căn cứ vào loại hình hoạt động của TCTD để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu, do vậy xin không bổ sung quy định riêng đối với người quản trị, điều hành TCTD có vốn nhà nước.
Về thành phần, số lượng, cơ cấu, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định về cơ chế hoạt động, thành phần của Ban kiểm soát đặc biệt để bảo đảm cơ sở xác định trách nhiệm của các thành viên trong Ban kiểm soát đặc biệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định về cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt và thể hiện tại điểm b khoản 2 Điều 145a của dự thảo Luật.
Về thành phần của Ban kiểm soát đặc biệt, xin không quy định cụ thể trong Luật, vì mỗi TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt có thực trạng, quy mô hoạt động, kinh doanh khác nhau và các vấn đề tồn tại cần phải xử lý khác nhau, từ đó thành phần tham gia, số lượng thành viên của Ban kiểm soát đặc biệt có thể khác nhau.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về điều kiện, trường hợp, đối tượng mà Ban kiểm soát được phép áp dụng các biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ một số hoạt động của các TCTD được kiểm soát đặc biệt để hạn chế hoạt động, quyền của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tránh trường hợp tùy tiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt là kiểm soát hoạt động hằng ngày của TCTD được kiểm soát đặc biệt, do đó tại khoản 2 Điều 146b, quy định Ban kiểm soát đặc biệt được tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động mà TCTD đang thực hiện nếu xét thấy các hoạt động này có thể gia tăng rủi ro cho hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc không phù hợp với phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt là thẩm quyền đủ mạnh, bảo đảm tính kịp thời cần thiết phải được trao cho Ban kiểm soát đặc biệt để giảm thiểu rủi ro (nếu có) cho TCTD. Quy định này phù hợp với thông lệ xử lý TCTD yếu kém của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Trần Thúy/ Bizlive
>> 5 phương án cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt