Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Phê phán ông Vũ Huy Hoàng
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết thể hiện rõ: Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.
Vụ việc của ông Vũ Huy Hoang được giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật
Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Đối với lĩnh vực Công thương, Nghị quyết yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư.
Cùng với đó, hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thị trường trong nước. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Triển khai nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về quản lý thị trường để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ
Nghị quyết cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh phân bón. Xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017, cơ chế khuyến khích sản xuất để bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu.
Giám sát chặt chẽ dự án Formosa
Đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Nghị quyết yêu cầu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế về việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường theo nguyên tắc thị trường.
Formosa phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.
Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến khí tượng thủy văn và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; có giải pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sắp xếp cơ cấu lại tổ chức
Đối với lĩnh vực Nội vụ, Nghị quyết yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý; xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2021 theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ không đúng quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.