Hiện, cổ phiếu HVH đang giao dịch tại mức gía 17.700 đồng/cp sau 4 phiên giảm giá, trong đó có 1 phiên giảm sàn. So với mức đỉnh đạt được trong 9 tháng đầu năm là 29.100 đồng/cổ phiếu (phiên 24/7), thị giá HVH giảm tới 35% trong vòng 2 tháng.
Giảm bất chấp
Cổ phiếu HVH chính thức lên sàn tháng ngày 30/11/2018 với giá tham chiếu 15.600 đồng/cp. Ngay sau khi lên sàn HVH đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp và một phiên tăng mạnh lên mức giá 25.550 đồng/cp với mức tăng gần 64% chỉ sau 6 phiên giao dịch.
Tuy nhiên sau đó HVH đã có sự điều chỉnh về vùng giá 20.000-21.000 đồng/cp và duy trì vùng giá này trong gần hết quý I/2019. Kể từ cuối tháng 3/2019 đến tháng 7/2019, cổ phiếu HVH lại bắt đầu một đợt tăng mới lên mức đỉnh 29.100 đồng/cp.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 8 HVH đã liên tiếp giảm từ vùng giá 28.000 đồng/cp xuống vùng giá hiện nay. Đáng chú ý, trong khi thanh khoản của HVH kể từ khi lên sàn luôn duy trì ở mức trung bình khoảng 400.000 đơn vị/phiên nhưng trong chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp đầu tiên, thanh khoản của HVH đã lên tới hàng triệu đơn vị.
"Đặc biệt, đà giảm của HVH bất chấp diễn biến mua vào của ban lãnh đạo. Cụ thể, ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đầu tư và Công nghệ HVC vừa thông báo đã mua thành công 250.000 cổ phiếu HVH để tăng tỷ lệ sở hữu. Thời gian giao dịch thực hiện từ ngày 5/9 đến 6/10 theo phương thức khớp lệnh liên tục.
Ông Đông hiện là cổ đông lớn nhất của Đầu tư và Công nghệ HVC. Sau khi giao dịch, lượng cổ phiếu nắm giữ của ông này là hơn 4,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 21,73%.
Cùng thời gian này, ông Đỗ Huy Cường, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc công ty cũng đã hoàn tất mua 150.000 cổ phiếu. Sau khi hoàn thành giao dịch, ông Cường đã nâng tỉ lệ sở hữu tại HVH lên 12,64%, tương ứng với gần 2,53 triệu cổ phần.
Bên cạnh động thái mua vào của hai lãnh đạo chủ chốt, kết quả kinh doanh vừa mới công bố của Đầu tư và Công nghệ HVC cho thấy sự tăng trưởng khá tốt đã khiến nhiều người đặt nghi vấn xung quanh đà giảm của cổ phiếu HVH.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu đạt 247,8 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 23,5 tỷ đồng, tăng 36%.
Trước đó, Đầu tư và Công nghệ HVC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu 800 tỷ đồng và mục tiêu 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 15%.
Cổ phiếu HVH chính thức lên sàn ngày 30/11/2018
Kinh doanh có thật sự tăng trưởng?
Mặc dù Đầu tư và Công nghệ HVC vẫn công bố những con số doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, nhưng nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu HVH trên thị trường chứng khoán nhiều người đã liên tưởng đến một cổ phiếu đang gây ồn ào giới tài chính mới đây là FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân với gần 30 phiên giảm sàn liên tiếp.
Có ý kiến cho rằng, diễn biến tăng mạnh, điều chỉnh nhẹ rồi lại tăng và duy trì thanh khoản đủ để gây được sự chú ý, đánh thức được lòng tham của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào sau đó "xả hàng"của FTM dường như đang diễn ra tại HVH.
HVC được biết là nhà thầu thi công hệ thống công nghệ bể cảnh, công nghệ đài phun, bể bơi dự án Vinhomes Smart City (Tây Mỗ - Đại Mỗ); Bể bơi bể cảnh dự án Vinhomes West Point. Tại Vinhomes Grand Park ở quận 9 TP.HCM, HVC Group cũng đã nhận được chỉ thị thi công nhiều hạng mục từ chủ đầu tư. Công ty này cũng vừa có hợp đồng hợp tác với tập đoàn Vingroup thực hiện dự án đường đua F1...
Nhìn vào doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng của công ty cùng với uy tín của đối tác sẽ có nhiều người nghĩ đầu tư vào HVH có lẽ là một khoản đầu tư an toàn. Tuy nhiên, trên BCTC ngoài yếu tố doanh thu và lợi nhuận, tài sản, dòng tiền và nguồn vốn cũng là yếu tố quan trọng cần phải xét đến trước khi quyết định đầu tư.
"Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm đã soát xét của HVC, tính đến ngày 30/6/2019, công ty có 272,8 tỷ đồng tài sản ngắn hạn thì các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tới 60%.
Trong khi đó hàng tồn kho chủ yếu là các vật liệu ở các công trình đang xây dựng dở như : thi công hệ thống M&E toà P2 dự án Vincity Ocean Park, hệ thống điều hoà không khí và phòng cháy chữa cháy tại Vincom Móng Cái (Quảng Ninh)...
Các khoản phải thu khiến dòng tiền của HVC âm đều qua các năm, dòng tiền đầu tư cũng âm nhưng ít mở rộng tài sản cố định.Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng "thần tốc" 12 lần từ 16 tỷ đồng năm 2016 lên đến hơn 200 tỷ đồng như hiện nay.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, công ty này cũng đề ra kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đối với tổng mệnh giá từ 100-150 tỷ đồng nhằm đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển, giúp công ty đạt được mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 đã đề ra.
Kế hoạch này chưa có chi tiết về thời gian, phương thức phát hành cũng như giá bán nhưng ban lãnh đạo chia sẻ, kế hoạch này dự kiến để phục vụ cho dự án lớn mà HVC sẽ thực hiện trong năm 2019.
Có một thực tế là, dòng tiền của HVC luôn dương nhờ "chăm" huy động vốn theo nhiều hình thức nhưng để sử dụng vào mục đích mở rộng quy mô thì lại khá "ì ạch".
>> UBKCNN vào cuộc vụ cổ phiếu FTM