Từ năm 2020 đến 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo không chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.
Do đó, hầu hết ngân hàng chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, trong bối cảnh dịch bệnh đã qua đi, nền kinh tế cũng như sức khỏe doanh nghiệp đang hồi phục trở lại, Ngân hàng Nhà nước cũng không còn ra thông điệp về việc chia cổ tức của các ngân hàng.
Sắp qua thời kỳ "nhịn" cổ tức tiền mặt
Trên cơ sở đó, một số ngân hàng đã "rục rịch" chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023 gồm VIB, TPBank, VPBank, ACB.
Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong đó, ngân hàng ACB dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, với 15% là cổ phiếu và 10% là tiền mặt.
Cụ thể, ACB muốn phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022. Dự kiến, ngân hàng này sẽ thực hiện trong quý 3/2023. Nếu hoàn tất kế hoạch phát hành trên, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. Lần gần nhất ngân hàng ACB trả cổ tức bằng tiền mặt là năm 2015 với tỷ lệ 7%, tức với mỗi cổ phiếu ACB cổ đông sở hữu được nhận 700 đồng.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 25%. Thời điểm thanh toán vào ngày 3/4/2023, nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng).
TPBank cho biết đã 10 năm ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, mà dành nguồn lực để tăng vốn điều lệ. Nguyên nhân là do TPBank phải thực hiện tái cơ cấu theo yêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bắt đầu kể từ năm 2012.
Hiện tại, xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh, cũng như để tri ân cổ đông, Hội đồng quản trị TPBank đã đưa ra kế hoạch trả cổ tức nêu trên. Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế (VIB) cũng thông qua phương án trả cổ tức tổng tỷ lệ 35% trong năm 2023, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 vào ngày 15/3. Trong đó, 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB cho biết, trước Covid-19, VIB kiên định và nhất quán chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu do chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ nền kinh tế. Với kết quả kinh doanh năm 2022, VIB hoàn toàn có thể chia cổ tức tỷ lệ 38%, tuy nhiên để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thì chỉ quyết chia tỷ lệ 35%. Thực tế ban lãnh đạo rất quan tâm quyền lợi của cổ đông.
Hay như trong cuộc họp Đại hội cổ đông năm 2022 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đã thông báo, với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm 2022 đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới. Hội đồng quản trị dự kiến từ năm 2023 sẽ trình Đại hội cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt cho tất cả cổ đông kể từ khi chào sàn vào năm 2017.
Cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là xu hướng
Đáng chú ý, bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng cũng dự chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tương đối cao để tăng thêm vốn điều lệ. Thực tế, ngay cả những ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt nêu trên cũng song song chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Vào ngày 20/2 vừa qua, Eximbank đã chốt danh sách cổ đông sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%. Tức, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu Eximbank tại ngày chốt quyền nhận được 20 cổ phiếu mới. Như vậy, với hơn 1.229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.
Cuối tháng 3, "ông lớn" Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Các cổ đông của Sacombank cũng kỳ vọng chia cổ tức trong năm nay. Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, lãnh đạo Sacombank cho biết, lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối năm 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho hay ngân hàng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Dự kiến, trong nửa đầu năm 2023, Sacombank có thể sẽ chia cổ tức.
Ở một chiều diễn biến khác, PG Bank vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo dự kiến, ngân hàng này sẽ tiếp tục không trả cổ tức. Thêm nữa, trong năm 2023, ngân hàng PG Bank tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ, đây là năm thứ 13 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ và năm thứ 11 liên tiếp không chia cổ tức.
Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng năm nay tiếp tục "nói không" với chia cổ tức như Techcombank, Saigonbank...