Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đáng chú ý, quỹ ngoại Portal Global Limited không còn nằm trong nhóm này sau khi giảm tỷ lệ nắm giữ từ 3,026% xuống còn 0,873%, tương đương hơn 21,5 triệu cổ phiếu OCB.
Trước đó, tính đến ngày 24/7, Portal Global Limited từng sở hữu hơn 62,1 triệu cổ phiếu OCB, chiếm 3,026% vốn điều lệ ngân hàng. Cổ đông này không có thông tin về người liên quan. Cùng thời điểm đó, OCB công bố danh sách 20 cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên, với tổng số cổ phần lên tới 1,66 tỷ cổ phiếu, tương đương 80,6% vốn điều lệ.
Trong danh sách này, có 13 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng 1,46 tỷ cổ phiếu, tương đương 55,7% vốn điều lệ ngân hàng, bên cạnh 7 cổ đông cá nhân nắm giữ 24,8% vốn.
Đáng chú ý, cổ đông chiến lược Aozora Bank hiện là tổ chức sở hữu nhiều cổ phiếu OCB nhất với 308,2 triệu đơn vị, tương đương 15% vốn điều lệ. Cổ đông này không có người liên quan sở hữu thêm cổ phiếu OCB.
Về phía cá nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Tuấn là người nắm giữ nhiều cổ phiếu OCB nhất, với 91,1 triệu đơn vị, tương đương 4,43% vốn. Nếu tính cả người liên quan, tổng sở hữu của ông Tuấn lên đến 409 triệu cổ phiếu, chiếm 19,92% vốn điều lệ – vượt mức trần theo quy định.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 4/2024, lợi nhuận trước thuế ngân hàng OCB đạt 1.453 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.006 tỷ đồng, giảm 3,2% so với năm 2023.
Quý 4 ghi nhận sự bứt phá về tổng thu nhập thuần khi đạt 3.218 tỷ đồng, tăng mạnh 59,5% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần, khi con số này vọt lên 1.323 tỷ đồng, tăng 99,3%, nhờ tín dụng tăng gần 20% và biên lãi ròng (NIM) cải thiện lên 3,5%.
Thu nhập ngoài lãi cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, đạt 563 tỷ đồng, tăng 147,9% so với quý trước. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ tăng 37,4% lên 126 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đẩy mạnh thu phí và chuyển đổi số.
Ngược lại, mảng kinh doanh ngoại tệ và chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, chịu ảnh hưởng tiêu cực do điều kiện thị trường kém thuận lợi. Theo OCB, việc Fed liên tục giảm lãi suất và biến động tỷ giá USD là những yếu tố chính tác động đến kết quả này.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm trước. Dư nợ tín dụng thị trường một tăng gần 20%, vượt mức tăng trưởng trung bình ngành (15,08%). Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân tăng 11,4%, còn phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tăng đột biến 51,7% so với cùng kỳ năm 2023. Huy động vốn thị trường một cũng đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản của OCB chịu áp lực khi tổng nợ xấu cuối năm 2024 tăng lên hơn 5.406 tỷ đồng, tăng thêm 1.504 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 1.688 tỷ đồng lên 2.621 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 3,16%.