Một thành viên HĐQT VPBank chi hàng trăm tỷ mua cổ phiếu VPB

Nếu thành công mua thêm 30 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của bà Nhung tại VPBank sẽ nâng lên từ 0,765% vốn lên 0,4546% vốn...

Theo thông báo mới nhất từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã chứng khoán: VPB), bà Phạm Thị Nhung, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực của VPBank đã đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu VPB theo phương thức khớp lệnh.

Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của bà Nhung sẽ nâng lên từ 0,765% vốn, tương đương hơn 6 triệu cổ phiếu lên 0,4546% vốn (tức hơn 36 triệu cổ phiếu). Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 6/2 đến ngày 7/3.

Thị giá cổ phiếu VPB trong thời gian qua

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, thị giá cổ phiếu VPB trên thị trường chứng khoán hiện đang ghi nhận ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu. Chiếu theo mức giá này, bà Nhung dự kiến sẽ phải chi khoảng 555 tỷ đồng để mua 30 triệu cổ phiếu VPB.

Theo tìm hiểu, bà Phạm Thị Nhung được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị từ 29/4/2024. Vị lãnh đạo từng mua 5 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2024, nâng sở hữu lên mức hiện tại. Theo báo cáo quản trị bán niên 2024, các bên liên quan của bà Nhung không sở hữu cổ phần VPB.

Về tình hình kinh doanh năm 2024, ngân hàng VPBank ghi nhận kết quả ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng tới 85% so với năm trước, đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, riêng quý 4/2024, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này đã vượt 6.100 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 2024 của ngân hàng mẹ VPBank cũng đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng 36%.

Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công này là sự phục hồi mạnh mẽ của công ty tài chính FE Credit sau quá trình tái cấu trúc. Công ty con của VPBank đã liên tiếp báo lãi trong 3 quý gần đây, mang về 500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động thu hồi nợ của VPBank cũng ghi nhận những kết quả tích cực năm qua, với thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất năm 2024 đạt 5.600 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với năm trước. Đặc biệt, nhờ sự hậu thuẫn từ cổ đông chiến lược SMBC, phân khúc FDI của ngân hàng đã ghi nhận dư nợ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2023.

Có thể bạn quan tâm