Một tổ chức tín dụng đã mua trọn 1.000 tỷ đồng trái phiếu của MSB

Trái phiếu của MSB là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của MSB, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 4%/năm.
Một tổ chức tín dụng đã mua trọn 1.000 tỷ đồng trái phiếu của MSB

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) đã phát hành xong 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ vào ngày 7/6. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 7/6/2024.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của MSB.

Trái phiếu có lãi suất 4%/năm; tiền lãi được trả định kỳ hàng năm, tiền gốc được trả một lần vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên, lãi và gốc cũng có thể được trả vào ngày mua lại trước hạn.

Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay trung và dài hạn bằng VND.

Theo kết quả phát hành, một tổ chức tín dụng đã mua trọn lô trái phiếu này. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán số trái phiếu này là CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND).

Vừa qua, MSB đã có quyết định về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) dự kiến được thực hiện trong quý III/2021.

Theo đó, ngân hàng kế hoạch phát hành 18 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp tương đương tỷ lệ 1,53% tổng cổ phiếu tính theo vốn điều lệ.

Các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Hội đồng điều hành và một số đối tượng khác sẽ là người nhận được quyền mua này. Chương trình chỉ áp dụng đối với người lao động là người Việt Nam.

Kết phiên 15/6, giá cổ phiếu MSB dừng ở mức 27.800 đồng/cp, tăng 48% so với cuối năm ngoái. Vốn hóa ngân hàng đạt xấp xỉ 32.160 tỷ đồng.

Theo bản tin thị trường của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, từ tháng 5 đến nay, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18,485 tỷ đồng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4,950 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng đầu quý II/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33,674 tỷ đồng.

Nhu cầu phát hành thêm trái phiếu ngân hàng để người dân và ngân hàng cùng hưởng lợi vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới. Bởi, theo báo cáo phân tích của VietinBank cho biết, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm nay sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR để đáp ứng chuẩn của Basel 2.

Hiện có một số ý kiến cho rằng, số lượng phát hành nhiều nhưng lãi suất trái phiếu ngân hàng đang thấp hơn so với trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chuyên gia đánh giá, so với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này.

Có thể bạn quan tâm