CTCP Mỏ và XNK khoáng sản Miền Trung (mã: MTM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2017.
Không phát sinh doanh thu, quý 3 năm nay, công ty chịu lỗ hơn 661 triệu đồng từ các khoản chi phí, nâng tổng lỗ lũy kế từ đầu năm lên hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó 9 tháng đần năm 2016 báo lỗ hơn 162,5 tỷ đồng.
Sau những thông tin gây sốc về “cổ phiếu ma” MTM, bấy lâu nay nhà đầu tư không còn tiếp nhận nhiều thông tin từ doanh nghiệp này. Tuy nhiên điểm đặc biệt trên BCTC quý 3 của MTM không phải là kết quả kinh doanh, bởi không phát sinh doanh thu là điều nhà đầu tư đã dần quen với MTM, mà điểm đặc biệt khiến nhà đầu tư chú ý là những thông tin trong bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Trong danh sách các khoản phải thu của khách hàng, có 6 khoản liên quan đến CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Khoáng sản và Luyện kim màu (KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Luyện kim Đông Bắc , CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK) và CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (FID) là được “giải trình” cặn kẽ.
Cụ thể, khoản phải thu hơn 24,44 tỷ đồng đối với Khoáng sản Tây Bắc (KTB), khoản phải thu hơn 10 tỷ đồng đối với Luyện kim Đông Bắc, khoản phải thu hơn 1,77 tỷ đồng đối với Luyện kim Phú Thịnh đều là các là khoản công nợ phải thu của MTM bán hàng quặng cho các công ty này, mà MTM mua của FID. Thực chất đây chỉ là xuất hóa đơn nhằm tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.
Hiện nay cả KTB, Luyện kim Phú Thịnh và Luyện Kim Đông Bắc đều đã ngừng hoạt động, không có trụ sở, địa chỉ cụ thể, không có người làm việc tại địa điểm công bố…do vậy không thể xác minh và đòi nợ.
Bên cạnh đó, khoản phải thu gần 72,5 tỷ đồng đối với Khoáng sản và luyện kim màu, khoản phải thu hơn 6,3 tỷ đồng đối với Khoáng sản Hòa Bình cũng là các là khoản công nợ phải thu do MTM bán quặng sắt, đá hạt cho 2 đơn vị này mà MTM mua của FID. Thực chất đây cũng là xuất hóa đơn nhằm tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.
Ngoài ra, còn khoản phải thu gần 29,9 tỷ đồng đối vơi chính CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID) cũng là khoản nợ phải thu của MTM chuyển tiền mua quặng sắt, đá hạt cho FID nhưng MTM đã chuyển quá so với hóa đơn xuất của FID. Hiện FID đã tự xóa công nợ với MTM bằng cách viết 1 phiếu chi tiền mặt trị giá gần 29,9 tỷ đồng để trả lại tiền thừa cho MTM.
Trên thuyết minh BCTC của MTM cũng ghi rõ, toàn bộ vốn góp của MTM là 268,4 tỷ đồng thì có 120 tỷ đồng chuyển sang Tổng CTCP thương mại và Luyện kim Bắc Cạn rồi rút ra với danh nghĩa đầu tư, góp vốn. Còn 60 tỷ đồng chuyển sang CTCP thương mại và đầu tư VCI Việt Nam với danh nghĩa tạm ứng/trả trước tiền mua hàng rồi rút ra, và phần còn lại chuyển sang công ty FID rồi rút ra với danh nghĩa mua quạng sắt, đá hạt...
Theo giải trình, thực chất FID xuất hóa đơn cho MTM (không có hàng hóa) để rút vốn góp của MTM, đồng thời MTM có đầu vào để xuất ra (cũng không có hàng hóa) cho KHB, KSK, KTB, PTK, KHL nhằm tạo công nợ ảo của MTM để lừa đảo khi bán chứng khoán.
Ngoài ra, còn các giải trình liên quan đến khoản phải thu khác với Luyện kim Bắc Cạn, khoản tài sản thiếu chờ xử lý. Kèm với đó, còn có danh sách 23 người liên quan đang bị gửi hồ sơ chờ điều tra…
Thuyết minh BCTC của MTM còn nhắc đến khoản nợ xấu hơn 266 tỷ đồng đến ngày 31/12/2016 – là 100% công nợ phải thu trả trước cho người bán, 100% công nợ phải thu của khách hàng và 100% khoản phải thu khác với Khoáng sản Bắc Cạn. Đáng chú ý, khoản nợ xấu này lại tăng thêm hơn 159,9 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2017. Tính đến 30/9/2017, tổng nợ xấu lên đến hơn 426 tỷ đồng – là do trích lập dự phòng tăng thêm 100% tài sản thiếu chờ xử lý không thể thu hồi được…
Hiện cổ phiếu MTM đã bị tạm ngừng giao dịch từ 20/6/2016.
>> Huỷ đấu giá IBC, liệu kịch bản MTM có lặp lại?