Mua sắm đồ công nghệ online: Bùng nổ tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Người tiêu dùng cần lựa chọn trang web uy tín, thanh toán an toàn và cẩn thận với các chương trình khuyến mãi quá hấp dẫn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
viet-nam-mieng-banh-hap-dan-cho-cac-san-thuong-mai-dien-tu-154519-8623.jpg
Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650.000 tỷ đồng vào năm 2024

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet, mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến, trong đó có lĩnh vực đồ công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi mà nó mang lại, mua sắm đồ công nghệ online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người tiêu dùng cần lưu ý.

NGƯỜI TIÊU DÙNG HƯỞNG LỢI

Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương công bố, thương mại điện tử trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt tới 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Cũng theo theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tiện lợi là yếu tố thu hút người tiêu dùng nhất. Khách hàng có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi chỉ với thiết bị kết nối internet, không cần đến trực tiếp cửa hàng. Việc so sánh giá cả và sản phẩm giữa các nhà cung cấp cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, giúp người tiêu dùng tìm được sản phẩm ưng ý với mức giá tốt nhất.

Mua sắm online giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Khách hàng không cần tốn thời gian di chuyển, chờ đợi tại cửa hàng, mà chỉ cần vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử là có thể hoàn tất việc mua sắm.

Sự đa dạng sản phẩm là một điểm cộng lớn cho mua sắm online. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm mới, độc lạ, hiếm có trên thị trường mà không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm tại các cửa hàng truyền thống.

Hơn nữa, các trang web thương mại điện tử thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí.

anh-man-hinh-2024-04-22-luc-090450-7070.png
Người tiêu dùng dễ dàng đặt các sản phẩm công nghệ từ vài trăm đến chục triệu đồng trên sàn thương mại điện tử

Theo khảo sát của phóng viên Thương Gia, tại thị trường trong nước người tiêu dùng dễ dàng mua được các mẫu iPhone chính hãng (lĩnh vực đồ công nghệ) trên các trang web thương mại điện tử thay vì phải ra trực tiếp cửa hàng.

Tại sàn thương mại điện tử Shopee, iPhone 15 Pro Max phiên bản dung lượng 256 GB đang có giá bán 29,99 triệu đồng, phiên bản 512 GB có giá 37,99 triệu đồng. Trong khi tại Hoàng Hà Mobie - Đại lý ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam, người dùng có thể kết hợp mua sắm trực tiếp và online, iPhone 15 Pro Max 512 GB có giá 36,99 triệu đồng, bản 128 GB giá 28,99 triệu đồng.

Với mẫu iPhone 15, tại sàn thương mại điện tử Shopee, phiên bản dung lượng 128 GB đang có giá bán 19,99 triệu đồng, trong khi tại Hoàng Hà Mobie có giá bán 18,89 triệu đồng.

Dù có giá cao hơn các cửa hàng trực tiếp, tuy nhiên người tiêu dùng thường quyết định mua sắm khi các sàn thương mại điện tử tung loạt ưu đãi và quà tặng hấp dẫn như “ngày sale đôi", “Shopee Live”, “Freeship Xtra”, “sale giữa tháng”, ngoài ra là các chương trình giảm giá khi thanh toán online.

Theo số liệu từ YouNet ECI (YouNet Ecommerce Intelligence - Công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử), 27.400 chiếc iPhone 15 series đã được bán ra trên các sàn Shopee, Lazada và Tiki trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12/2023, mang về doanh thu hơn 891 tỷ đồng. iPhone 15 Pro Max là phiên bản dẫn đầu, chiếm 71,4% doanh thu, đạt 636,2 tỷ đồng.

Chỉ sau 3 tháng ra mắt, iPhone 15 đã ghi nhận thành tích ấn tượng trên thị trường thương mại điện tử, đạt doanh thu gấp 5,3 lần so với người tiền nhiệm iPhone 14 cùng kỳ.

Sự kiện siêu sale ngày đôi được xem là động lực chính thúc đẩy doanh thu iPhone 15 bùng nổ. Doanh thu trong các tuần siêu sale 10/10, 11/11 và 12/12 lần lượt tăng 92%, 409% và đạt mức cao nhất 148,6 tỷ đồng. Riêng 3 tuần siêu sale này đã đóng góp 40% tổng doanh thu iPhone 15 series trên các sàn thương mại điện tử trong quý 4/2023.

CẨN TRỌNG TRƯỚC RỦI RO

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mua sắm đồ công nghệ online ngày càng trở nên phổ biến cùng giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, mua sắm online cũng tiềm ẩn một số rủi ro như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc mua phải sản phẩm không đúng như mô tả, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn là điều mà người tiêu dùng online nào cũng lo ngại.

Bên cạnh đó, lừa đảo cũng là một vấn đề nhức nhối trong mua sắm online. Người tiêu dùng có thể bị lừa đảo thanh toán, cung cấp thông tin cá nhân khi mua sắm online, dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp thông tin.

Vào ngày 8/4, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây bán điện thoại giả trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki, lừa đảo khoảng 7.000 bị hại tại địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chiếm đoạt khoảng hơn 90 tỷ đồng.

thiet-ke-chua-co-ten-2072.jpg
Người mua nên cẩn trọng trước rủi ro lừa đảo và hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Theo đó, các đối tượng đăng tải hình ảnh của điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, sau đó giao hàng là sản phẩm giả.

Trước đó vào đầu tháng 4/2024, Công an tỉnh Phú Thọ thông tin về việc ra quyết định khởi tố hàng loạt đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Shopee.

Từ tháng 11/2023, lực lượng chức năng phát hiện các hội nhóm trên mạng xã hội trong và ngoài tỉnh Phú Thọ hoạt động tinh vi với thủ đoạn kêu gọi đặt đơn ảo (trả công cho người đặt đơn), cung cấp mã giảm giá gian lận để chiếm đoạt ưu đãi từ Shopee.

Các hội nhóm này hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, có sự cấu kết giữa người bán, người mua, nhân viên giao nhận tại các công ty chuyển phát và các đối tác tiếp thị liên kết người bán có đăng ký mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Hội nhóm này cấu kết chặt chẽ giữa người bán, người mua, nhân viên giao hàng và đối tác tiếp thị liên kết. Họ tạo ra hàng loạt đơn hàng ảo trị giá hàng chục tỷ đồng, sau đó sử dụng mã giảm giá do Shopee cung cấp cho người tiêu dùng để chiếm đoạt lợi nhuận.

Theo các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, người dân chỉ nên thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Có thể bạn quan tâm