Ruộng bậc thang của người Mông đẹp như những phím đàn vàng óng ngân lên trời cao. Ý niệm bay lên của người Mông, đã biến những thớt ruộng thành một tác phẩm nghệ thuật kỳ vĩ. Và những kỳ quan giữa không trung đó đã không chỉ đem đến vạt lúa để nuôi sống con người mà còn làm thay đổi nền kinh tế bản địa bằng phương thức khai thác nền công nghiệp không khói: du lịch mùa lúa chín.
RUỘNG BẬC THANG, CON ĐƯỜNG LÊN TRỜI
Khát khao lên cao của người Mông rất mạnh mẽ. Họ chọn cho mình một vùng đất hiểm trở, biệt lập với những dân tộc khác để sinh sống. Trong hành trình tìm kiếm những miền đất hứa đó, người Mông thường đi lên những vùng núi cao, nơi có điều kiện sinh tồn khắc nghiệt nhưng rất gần trời.
Chính vì thế, từ xa xưa, người Mông thường đánh dấu điểm bắt đầu lãnh địa sinh tồn của mình bằng những Cổng Trời. Khi bước qua một Cổng Trời, có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu bước chân vào một thế giới bao la, hùng vĩ chỉ có núi non trập trùng của người Mông.
Ở cái nơi “xa đất, gần trời” này, người Mông chọn những đỉnh núi cao heo hút, vắng bóng chân người để làm nơi trú ngụ. Họ thích ngồi trên những mỏm đá cheo leo để tâm hồn nhập thể với mây trời bao la. Ở trên cao này, họ cảm thấy mình được gần với Trời, một biểu tượng của tự do tuyệt đối, không bị khống chế bởi bất cứ thứ gì.
Tính cao rộng, khoáng đạt của Trời ảnh hưởng rất lớn đến tính cách dân tộc, tư tưởng và nghệ thuật của người Mông. Mọi giá trị của họ đều chất chứa sự kiêu hãnh, khinh bạc, không rườm rà “hoa lá cành” dù để làm đẹp lòng người khác, không bị chi phối bởi yếu tố ngoại cảnh. Thế nên, mới có “cái lý của người Mông” nổi tiếng.
Nhưng nổi trội hơn cả là tư tưởng hướng thượng. Hãy lắng nghe một tiếng kèn lá của người Mông. Tiếng kèn khởi nguồn như một cơn gió, một lời thì thầm những rồi dần dần réo rắt từ âm vực thấp đến những âm vực cao hơn. Đột nhiên, tiếng kèn lá đạt đến âm vực cao nhất khiến tâm tư người nghe bị xao động và rồi nó mất hút, như tan biến trong không trung.
Tư tưởng đó không chỉ ảnh hưởng đến cách người Mông chọn địa bàn sinh sống mà còn đi sâu vào các lớp văn hoá của họ. Rồi từ đó khái niệm nghệ thuật này lại phóng chiếu ra đời sống dân sinh, cô đọng kết tinh trong hình thức làm ruộng bậc thang, biến đây thành một tác phẩm nghệ thuật kỳ vĩ và trác tuyệt.
Tại sao người Mông lại chọn làm ruộng trên sườn núi chứ không phải dưới đất bằng như người Tày, người Mường hay người Kinh? Đơn giản đó là kết quả lựa chọn dung hoà giữa sự thích ứng với địa hình bản địa, óc tưởng tượng và nhu cầu thẩm mỹ của họ.
Con mắt của người Mông khi nhìn một quả núi chất ngất sẽ hình dung ra những thớt ruộng chồng lên nhau như những bậc thang cuộn lên. Con mắt đó cũng giống như khi người Kinh ngắm nhìn những đồng bãi thẳng cánh cò bay để hình dung ra bờ xôi ruộng mật. Con mắt đó sẽ quyết định phương thức canh tác cho dân tộc mình.
Những thớt ruộng bậc thang của người Mông cũng thế. Nó là một con đường đi lên cao. Chỉ bằng chiếc cuốc bướm đơn giản, người Mông đã vạc ra những thớt ruộng bậc thang thấp nhất ở dưới chân một quả núi. Và thớt ruộng đó là nền tảng để định hình cho các thớt ruộng tiếp theo, cứ mỗi ngày một vươn cao, cho đến tận đỉnh núi.
Con đường lên cao đó không những đòi hỏi cảm hứng nghệ thuật mà còn cần đến sự tính toán chi tiết của một công trình khoa học. Đường đồng mức của các thớt ruộng đã tạo ra các thớt ruộng hài hoà, cân đối, uốn lượn mềm mại.
Quan trọng hơn, đường đồng mức còn phân chia nước tưới tiêu cho mọi thớt ruộng một cách cân bằng, từ cao xuống thấp, giúp lúa sinh trưởng tốt trong điều kiện khan hiếm nguồn nước từ sông ngòi và chỉ dựa vào lượng nước mưa. Tất cả những điều đó đã tạo ra bằng cái cuốc bướm và óc tính toán của người Mông.
NGHỆ THUẬT CỦA RUỘNG BẬC THANG
Nhìn ngắm ruộng bậc thang một cách kỹ càng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, nó chứa đựng rất nhiều vẻ đẹp khác nhau. Vào mùa đổ nước, những thớt ruộng biến thành hàng trăm tấm gương lung linh, phản chiếu sắc xanh lơ của trời, sắc trắng của mây, sắc xanh thẫm của núi rừng.
Khi gieo mạ, ruộng bậc thang lại phản chiếu một vẻ đẹp khác. Trên những thớt ruộng lấp lánh ánh nâu non của đất đai màu mỡ, những mảng mầu xanh lá mạ khi điểm xuyết một góc ruộng, khi lại tạo ra những thớt ruộng xanh - nâu đan xen nhau. Đấy chính là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ.
Ruộng bậc thang đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay và nó chỉ là một tiếng kèn lá nơi hoang vắng. Thế nhưng, khi tiếng kèn lá đó được vang vọng khắp nơi, nó lập tức chinh phục được tâm hồn duy mỹ của chúng ta. Ruộng bậc thang đã lay động cảm quan, tạo ra những ngày hội mùa vàng trên non đầy bội thu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ruộng bậc thang đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay và nó chỉ là một tiếng kèn lá nơi hoang vắng. Thế nhưng, khi tiếng kèn lá đó được vang vọng khắp nơi, nó lập tức chinh phục được tâm hồn duy mỹ của chúng ta. Ruộng bậc thang đã lay động cảm quan, tạo ra những ngày hội mùa vàng trên non đầy bội thu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Vào mùa thu, khi lúa chín, màu vàng rực phủ kín ruộng bậc thang. Lúc này, vẻ đẹp của ruộng bậc thang hiển lộ đầy đặn ở mọi cung bậc. Con đường lên cao của người Mông tràn đầy mùi vị của ấm no, với hương lúa chín ngập tràn không gian, với ánh vàng rực rỡ trong nắng thu, tạo ra một cảm giác choáng ngợp.
Dưới nền trời xanh ngăn ngắt không một chút mây, ngước mắt theo chiều lên của ruộng bậc thang, chúng ta sẽ thấy những thớt ruộng dung dị đã biến thành những phím đàn vàng óng bay vút lên tầng không.
Đứng ở đó, trong gió ngàn lồng lộng, những sợi khói đốt đồng bay lên trên những thớt ruộng vừa gặt, giữa hương thơm trinh nguyên của núi rừng, bất giác trong tâm hồn chợt ngân nga những ca từ dịu ngọt của Led Zeppelin trong ca khúc “Stairway to Heaven”:
Dear lady, can you hear the wind blow?
And did you know
Your stairway lies on the whispering wind?
And as we wind on down the road
Our shadows taller than our soul
There walks a lady we all know
Who shines white light and wants to show
How everything still turns to gold…
Những bậc thang lên thiên đường, những phiến vàng lấp lánh dát trên con đường lên cao đó chính là một thứ nghệ thuật vị nhân sinh đích thực. Nó tràn đầy sự hạnh phúc, ấm no trong đôi mắt long lanh của những người đàn ông đang khoan khoái gặt vàng, của những người đàn bà đang sung sướng nghe hạt vàng rơi rào rào vào thùng đập thóc, của những em bé nằm trong địu theo bố mẹ lên nương.
Nhìn vào mắt của những con trâu, con bò đang nằm thảnh thơi nhai rơm mới thơm phức chúng ta cũng thấy chúng rất hạnh phúc. Mùi khói thơm của lúa mới cũng chiếm lĩnh không gian, giúp con người tích trữ năng lượng, trước khi bước vào một mùa đông khắc nghiệt và xám đen.
Mục đích tối thượng của nghệ thuật là gì nếu không phải là giúp cho con người được hạnh phúc. Nhưng ruộng bậc thang - con đường lên cao - còn giúp người núi cao có được sự thoả mãn cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ làm ruộng từ dưới thấp lên cao, gieo mạ từ cao xuống thấp và giờ lại gặt hái niềm vui từ thấp lên cao để có được sự no đủ ở nơi rất gần trời.
NGUỒN LỢI DU LỊCH BAO LA
Không gì khó hiểu khi ruộng bậc thang bây giờ được coi là những thắng cảnh du lịch, những công trình nghệ thuật hút khách. Đấy là giá trị quý giá ngoài mong đợi. Khi nghệ thuật ruộng bậc thang cất tiếng, nó đã thu hút được sự ngưỡng mộ và yêu mến của tất cả mọi người.
Khởi thuỷ, ruộng bậc thang chỉ là một cách thức để người Mông bày tỏ khái niệm hướng thượng của mình. Giá trị sát sườn về mặt vật chất là nó giúp con người có phương thức canh tác hợp với điều kiện tự nhiên và đem lại nguồn lương thực nuôi sống con người.
Nhưng đến khoảng 15 năm trở lại đây, ruộng bậc lại đem đến những giá trị lớn lao khác. Cứ mỗi mùa đổ nước hay mùa lúa chín, ruộng bậc thang lại thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Ruộng bậc thang trở thành cảm hứng và đối tượng sáng tác của nhiếp ảnh, hội hoạ, phim, thời trang…
Nguồn lợi từ du lịch mà ruộng bậc thang đem lại còn lớn hơn hạt thóc. Rất nhiều địa phương đã thay da đổi thịt nhờ ruộng bậc thang, xoá đói giảm nghèo từ ruộng bậc thang. Đây là nguồn lợi bền vững và có hiệu suất rất cao và không làm tổn hại đến môi trường.
Những thớt ruộng hùng vĩ ở Bản Luốc, Thông Nguyên (Hoàng Su Phì - Hà Giang), những thớt ruộng xinh xắn như vân tay của thiếu nữ tại La Pán Tẩn hoặc duyên dáng như mâm xôi, móng ngựa, dạng tự Omega ở Chế Cu Nha, Mù Cang Chải (Yên Bái), những thớt ruộng luôn có mây sà xuống ở thung lũng Lìm Mông (Cao Phạ - Yên Bái) và thung lũng Mường Hoa (Sapa - Lào Cai) đã hớp hồn của biết bao du khách mỗi năm.
Người nông dân đã biến thành doanh nhân, kinh doanh từ loại hình canh tác ruộng độc đáo của dân tộc mình, đến bản sắc văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng bản địa hay nếp sống sinh hoạt thường nhật truyền thống bằng chính ngôi nhà mình tự tay dựng, nếp váy vợ tự tay dệt nhuộm…
Biến những giá trị địa phương thành giá trị toàn cầu, biến một phương thức canh tác nông nghiệp của dân tộc thiểu số thành giá trị thưởng lãm của cộng đồng khách du lịch là những yếu tố đã làm thay đổi đời sinh kinh tế của các tỉnh miền núi như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai…
Ruộng bậc thang của người Mông đã lan toả sang các dân tộc khác. Tất cả đều ngưỡng mộ “cái lý của người Mèo” trong phương thức canh tác ruộng bậc thang để đem lại hạt thóc và nguồn lợi du lịch cho mình. Rõ ràng, khái niệm nghệ thuật của người Mông đã đi vào đời sống và chứng minh được sức hấp dẫn độc đáo và tính đúng đắn của nó.
Sự tiếp biến của nghệ thuật vào đời sống và lại quay trở lại nghệ thuật với một hình thức mới sống động đó thật thú vị. Nó cho thấy rằng, nghệ thuật không cần xa vời, cao sang mà phải gắn liền với cuộc sống dân sinh thì sẽ có được sức hấp dẫn mãnh liệt và bền bỉ.
Những bậc thang vàng, những khuôn nhạc vàng của ruộng bậc thang không phải thứ nghệ thuật lừa dối như ánh trăng vàng mà Nam Cao từng đau đáu trăn trở và phủ nhận. Nó hiện hữu giữa bạch nhật và phơi bày mọi vẻ tốt tươi dành cho con người thụ hưởng.