Nhà sưu tập đồ thể thao Trần Minh Tú: Cuộc chơi giữa chốn thương trường

CUỘC-CHƠI-GIỮA-CHỐN-THƯƠNG-TRƯỜNG.jpg

“Nghề chơi cũng lắm công phu.
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều”.

Đó là kết luận đầy lọc lõi của những người lăn lộn trong thú chơi. Công phu ở đây không chỉ là lòng đam mê hay công sức bỏ ra để có được thứ mình theo đuổi mà còn là sự sung túc tiền bạc để phục vụ mức độ chịu chơi và sự khôn ngoan trong sách lược tiếp cận, đàm phán để đạt được mục tiêu.

TỪ MỘT CÁI ÁO ĐẤU ĐẾN 2 TẤN ĐỒ CHƠI

Trần Minh Tú, CEO của công ty TNHH TRIỂN LÃM & TRUYỀN THÔNG 2109, năm nay mới ngoại “tam thập nhi lập”. Sinh năm 1992, theo đuổi ngành tài chính - kinh doanh, những tưởng chàng trai trẻ này sẽ đi theo bước đường kinh doanh để trở thành doanh nhân, thương nhân. Tuy nhiên, y lại biến năng lực và chuyên môn của sở học thành công cụ phục vụ cho thú chơi “cà lơ phất phơ” của mình: sưu tập áo đấu cầu thủ và rồi mở bảo tàng về bóng đá.

2109-football-museum-25.jpg

Bóng đá là thứ gì đó đầy mê hoặc với con người Việt Nam. Nó có sức kết dính kỳ lạ, biến hơn 90 triệu người dân thành một khối thống nhất mỗi khi các đội tuyển của Việt Nam thi đấu. Sự mê hoặc này có thể liên tưởng đến những tình cảm cao đẹp nhất như “lòng yêu nước”.

2109-football-museum-11.jpg

Minh Tú là một kẻ hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, thậm chí có thể mô tả bằng từ “điên rồ”. Cũng phải thôi, “điên” chính là phẩm chất đầu tiên và cao nhất để đẩy một con người từ yêu quý, thích thú một thứ gì trở thành một kẻ sống chết vì đam mê và thú chơi của mình.

Y hâm mộ ĐT Việt Nam, CLB Real Madrid (Tây Ban Nha) và ngôi sao Luka Modric (tiền vệ của ĐT Croatia và CLB Real Madrid) từ khi còn là một sinh viên mài đũng quần trên giảng đường đại học và các quán cafe bóng đá ở Sài Gòn. Cũng dễ hiểu khi chiếc áo đấu của Real là thứ đầu tiên Minh Tú sở hữu, như hòn sỏi đầu tiên của con đường dẫn tới đam mê.

Minh Tú ngày ngày lang thang vô định trong bảo tàng, ngắm nhìn chân dung của thần tượng, chú mục xem thiên hạ chiêm ngưỡng bộ sưu tập của mình và hãnh diện kể câu chuyện về từng món đồ làm cách nào đến được nơi đây.

Chỉ có điều, Minh Tú không ngờ rằng, từ viên sỏi đó, từ chiếc áo đấu đó, sự điên rồ của máu sưu tập đã đẩy y đến một con số gây choáng ngợp: 8 tấn hiện vật trong vòng hơn 10 năm bỏ tiền túi ra để tha lôi mọi thứ liên quan đến bóng đá từ trên khắp thế giới.

Một chiếc áo đấu bóng đá không chỉ là trang phục thi đấu theo nghĩa đen nữa, mà nó đã và đang biến thành nhiên liệu cho cỗ máy kiếm tiền siêu khổng lồ khi nó trở thành mục tiêu sưu tầm của người hâm mộ và nhà sưu tập.

2109-football-museum-22.jpg

Đơn cử, một chiếc áo đấu chính thức mùa 2023/24 của ngôi sao Luka Modric tại Real Madrid được bán với giá 5.000 euro, tức xấp xỉ 130 triệu VNĐ. Nhưng đâu chỉ có một chiếc áo cho tất cả các giải đấu, mà còn có áo đấu sân nhà, áo đấu sân khách, áo đấu ở la Liga, áo đấu ở Champions League… Chúng tạo ra một phí tổn không hề mềm mại và dễ chịu như khi mặc thế nào.

Một người hâm mộ cuồng nhiệt, mỗi mùa có thể mua tối thiểu một chiếc áo đấu của thần tượng tại CLB mình cổ vũ. Hoặc nếu anh ta rủng rỉnh tiền bạc hơn thì sẽ mua một “collection” áo đấu của thần tượng trong mùa đó. Tuy nhiên, một nhà sưu tập như Minh Tú, hoá đơn mua không chỉ của một cầu thủ, mà của nhiều cầu thủ, không chỉ của một đội bóng mà của nhiều đội bóng, không chỉ của một nền bóng đá mà của nhiều nền bóng đá.

Chính vì thế, cho dù chiếc áo đấu chỉ nặng vài lạng, thế nhưng chúng lại góp phần lớn cấu thành nên con số 8 tấn hiện vật kể trên. Nếu để trưng bày đủ số áo đấu đó theo diện tích bề rộng của chuẩn mực triển lãm, chắc chắn phải cần đến không gian của một sân bóng.

2109-football-museum-18.jpg

Những người đứng ngoài cuộc chơi sẽ thấy rất khó hiểu khi tại sao phải mua nhiều áo đấu như thế, mà đâu phải là thứ rẻ tiền. Nhưng những “kẻ điên” ở mức độ “nhà sưu tập” đều có chuẩn mực của riêng mình mà người ngoài khó luận giải được. Ví dụ như với Minh Tú, chiếc áo mới keng của Luka giá hơn 100 triệu đồng vẫn chưa là gì. Y còn muốn những chiếc áo đấu “kịch độc”, thế gian không ai có.

Áo đấu của một cầu thủ, có chữ ký của anh ta là một đẳng cấp hơn chiếc áo “authentic” giá 5.000 euro kia, thế nhưng, vẫn chưa là gì bởi có quá nhiều chiếc áo như vậy. Phải là chiếc áo đấu mà cầu thủ vừa mặc trong trận đấu, còn thấm đẫm mồ hôi hay in hằn vết cỏ đất, vết giày đối phương hay vết rách do tranh chấp.

Chiếc áo đó có câu chuyện về một trận đấu quan trọng, một bàn thắng siêu quần, một đường chuyền ảo ma hay một pha tranh chấp trở thành hình ảnh kinh điển trong lịch sử bóng đá. Chiếc áo đấu đó không còn còn là chiếc áo đấu nữa, không có giá trị giống giá niêm yết nữa, mà đã trở thành mục tiêu săn đuổi sưu tập có giá trị “không bút nào tả xiết”.

NGHỆ THUẬT SĂN LÙNG, TIẾP CẬN, ĐÀM PHÁN VÀ CHIẾM HỮU

2109-football-museum-24.jpg

Làm thế nào để có được hàng nghìn chiếc áo đấu hay 8 tấn hiện vật. Rất đơn giản, chỉ cần bạn là một tỉ phú, tỉ phú tiền đô la Mỹ thì càng tốt. Bạn có thể dùng tiền bay đến các “store” của mọi CLB, mọi ĐTQG để mua hoặc đặt hàng online. Như thế, chỉ cần vài tuần mục tiêu trên sẽ hoàn thành.

Thế nhưng làm thế nào để sở hữu được chiếc áo ĐT Pháp mà Zinedine Zidane đã mặc trong trận chung kết World Cup 2006 và cởi ra sau khi bị thẻ đỏ do dùng đầu húc vào ngực Marco Materazzi? Cái áo đó có được bán không, bán ở đâu và giá bao nhiêu?

2109-football-museum-5.jpg

Tiền bạc sẽ không bao giờ mua được chiếc áo đấu đó một cách dễ dàng như ở các “store” vì nó là độc nhất vô nhị. Có rất nhiều chiếc áo đấu có câu chuyện riêng của mình và nó đều được coi là quý giá nhất trong bộ sưu tập hay viên ngọc trên đỉnh vương miện.

Minh Tú đã có được những chiếc áo có câu chuyện và dấu ấn cá nhân như thế bằng cách nào? Đó là nhờ y có đủ yếu tố của một nhà sưu tập chân chính: tiền bạc để chi phí, lòng đam mê để mở cuộc săn lùng, sự hiểu biết để tránh bị “đánh thuốc”, chiến thuật của doanh nhân để được mục tiêu với cái giá hời nhất.

Là một người sưu tập ở Việt Nam, điều kiện để Minh Tú tiếp xúc với các nền bóng đá nước ngoài sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Y không thể thích là có thể chạy sang Tây Ban Nha, Italia, Anh… bất cứ lúc nào như chạy ra quán cafe giống các nhà sưu tập đồ bóng đá ở châu Âu.

2109-football-museum-8.jpg

Minh Tú là một kẻ hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, thậm chí có thể mô tả bằng từ “điên rồ”. Cũng phải thôi, “điên” chính là phẩm chất đầu tiên và cao nhất để đẩy một con người từ yêu quý, thích thú một thứ gì trở thành một kẻ sống chết vì đam mê và thú chơi của mình.

Mặt khác, những đối tượng tạo ra các món đồ sưu tập trong thú chơi này đều là những siêu sao sân cỏ, những cỗ máy kiếm tiền, những tỉ phú địch quốc. Không phải ai cũng có thể tiếp xúc trực tiếp được với họ để xin chữ ký hay chụp ảnh. Vậy nên, y cần một hệ thống đầu mối ở thị trường đó để thực hiện ý đồ của mình.

Bằng quan sát và kiến thức của mình, Minh Tú hiểu rằng, để với tới những món đồ quý giá, y cần kết nối với các nhà sưu tập có cỡ ở nước ngoài và hệ thống người thân của cầu thủ. Với đối tượng đầu tiên, nguyên tắc “Mây tầng nào sẽ gặp gió tầng đó” sẽ được áp dụng. Bởi, chỉ một tay chơi đẳng cấp mới có thể kết nối với tay chơi đẳng cấp khác.

2109-football-museum-10.jpg

Nếu như các thương gia cần tứ bảo như đồng hồ, kính, bút, bộ ví hàng hiệu để tạo ra một bề ngoài thành đạt, sành điệu để tạo sự tin tưởng và nể trọng cho đối tác trong giao dịch thì Minh Tú cũng dùng những thứ giá trị trong bộ sưu tập để giới thiệu về bản thân và đẳng cấp sưu tập của mình. Nhờ đó, đối tác sẽ thấy rằng y xứng đáng để kết giao.

Sau đó, y mới dùng đến tiền để thực hiện “cuộc làm ăn”, sẵn sàng nhường đối tác phần lợi hơn trong trao đổi, hào phóng chi “hoa hồng” hấp dẫn khi giao dịch, mua bán hộ và điều quan trọng luôn giữ được sự sòng phẳng trong giao dịch, cũng như uy tín của mình vậy.

Còn đối tượng thứ hai là một tính toán rất khôn ngoan của y. Siêu sao khó tiếp xúc, nhưng người thân trong gia đình, bạn bè, mối quan hệ xã hội lại dễ hơn nhiều. Tuy nhiên, Minh Tú cũng phải dùng bộ sưu tập đã có cùng sự am hiểu để giới thiệu mình như một nhà sưu tập hâm mộ hơn là một doanh nhân để chiếm được lòng tin.

2109-football-museum-7.jpg

Phải mất vài tuần hoặc vài tháng để tạo được ra một mối quan hệ như thế bởi chúng không hề đơn giản chút nào. Ví dụ, để có được một chiếc áo đấu đã mặc kèm chữ ký của ngôi sao Sadio Mane khi còn ở Liverpool, Minh Tú phải tiếp xúc với một người bạn thân của tiền đạo này.

Sau khi tạo được sự tin tưởng, Minh Tú mới bỏ tiền nhờ người bạn kia mời Mane ăn một bữa tối và mua hộ một món quà nhỏ để tặng. Tất cả chi phí đều do Minh Tú bỏ ra mặc dù y không có mặt ở bữa ăn đó. Nó là lòng thành mà Minh Tú dùng để kết nối với Mane, là “đồng tiền đi trước” cho mục đích của mình.

Bằng những cách như thế, Minh Tú đã tạo dựng được một mạng lưới săn tìm. Họ biết ngôi sao nào ném áo tặng khán giả, người nhận được áo là ai, sống ở đâu hay những sự kiện nào mà các ngôi sao có thể xuất hiện và tiếp cận. Từ đó, những chiếc áo đấu và những hiện vật bóng đá cứ bay về Việt Nam, ngược chiều với những lệnh chuyển khoản đến giờ trị giá tới 20 tỉ đồng.

2109-football-museum-23.jpg

GIẤC MỘNG “BẢO TÀNG BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI 2109”

Cơn điên của dân chơi đã biến Minh Tú thành một nhà sưu tập bóng đá đã “lộ sáng” có số má nhất nhì Việt Nam. Y đã tạo thành mối quan hệ rộng rãi với nhiều nhà sưu tập trên khắp thế giới. Số lượng sưu tập đã lên tới con số gần 20.000 đơn vị.

“Lượng đổi thì chất đổi”. Quy mô số lượng sưu tầm này đã khiến cả các cầu thủ, các CLB và các ĐTQG thay đổi cách nhìn với Minh Tú, trong đó có khá nhiều tên tuổi lớn từ châu Á sang châu Âu. Họ chủ động gửi cho Minh Tú những sản phẩm mới nhất, độc nhất. Càng ngày, bộ sưu tập càng lớn, phải bảo quản trong các kho.

Bởi chúng không chỉ gồm áo đấu mà còn rất nhiều thứ khác như: bóng, giày tất, găng tay, quần áo tập luyện-thi đấu, cờ phiên hiệu, băng thủ quân, các loại thẻ có liên quan, vé máy bay di chuyển, tượng, tranh ảnh, sách báo, đồ lưu niệm có in hình cầu thủ, thậm chí cả giấy xét nghiệm Covid-19 trước trận hồi đại dịch…

2109-football-museum-9.jpg

Bước vào bộ sưu tập của Minh Tú mới thấy rằng bóng đá thực sự là một ngành công nghiệp sản xuất và một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và béo bở. Hình ảnh của một cầu thủ có thể tạo ra hàng nghìn sản phẩm ăn khách bởi những nhà sưu tập điên rồ như Minh Tú.

Biết rằng, ngón chơi nào cũng điên, nhưng hiếm thấy món nào điên như sưu tập đồ bóng đá. Bởi vì nó không có tính mua đi bán lại, giao lưu đổi chác như chơi đồng hồ, xe đạp, chim cá, âm thanh, hoặc rất ít có những hoạt động như thế. Tuy nhiên, sự tích tụ đó đã làm nảy sinh ý tưởng mở một bảo tàng bóng đá chỉ để chia sẻ niềm đam mê.

Minh Tú biết rằng rất nhiều người hâm mộ không có tiền để mua chiếc áo in tên thần tượng của mình vì giá của nó tối thiểu cũng phải từ vài triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng. Với những món hàng quý có câu chuyện kèm theo thì chỉ cần được xem, được sờ vào thôi cũng đã là một hạnh phúc vô biên.

2109-football-museum-21.jpg

Thế nên, Minh Tú đã bỏ tiền để mở bảo tàng cá nhân có tên “2109 World Football Museum”. Cái khoái trá nhất của nhà sưu tập là được khoe thành tựu của mình và hãnh diện vì nó. Bảo tàng này chính là sự hãnh diện của y sau khi đã đốt hơn 10 năm công phu và hơn 20 tỉ đồng.

Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của nó lại là hạnh phúc của người khác. Những thiếu niên đang hâm mộ Quang Hải, Erling Haaland, những trung niên thần tượng Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Lê Công Vinh, đến những lão niên mê mẩn Pele, Maradona, Phạm Huỳnh Tam Lang… đều sung sướng khi được ngắm nhìn đôi giày, bộ quần áo đấu của siêu sao.

Niềm vui ấy lấp lánh như những giọt sương trên sân cỏ, như những giọt nước mắt chiến thắng hay thất bại và nó chứa đầy đam mê. Minh Tú ngày ngày lang thang vô định trong bảo tàng, ngắm nhìn chân dung của thần tượng, chú mục xem thiên hạ chiêm ngưỡng bộ sưu tập của mình và hãnh diện kể câu chuyện về từng món đồ làm cách nào đến được nơi đây.

Cách mà y nhìn thành tựu của mình sao giống với câu thơ của kẻ si tình ngày xưa là Tự Đức dành cho người yêu của mình:

Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại, để dành hơi.

Xem thêm

Muji: Nền tảng văn hoá tối giản tạo nên một đế chế phong cách sống toàn cầu

Muji: Nền tảng văn hoá tối giản tạo nên một đế chế phong cách sống toàn cầu

Cách tiếp cận tối giản nhưng tinh tế của Muji không chỉ thành công tại quê hương Nhật Bản mà còn ở khắp nơi thế giới. Ngày nay, dòng chữ Muji có mặt tại khắp các con phố mua sắm sầm uất nhất, từ Đại lộ số 5 ở New York đến Phố Oxford ở London, Đường Orchard ở Singapore hay Porte du Pont-Neuf ở Paris…

Phòng chờ Polaris của hãng hàng không United Airlines tại Sân bay Quốc tế Newark Liberty (Mỹ)

Phòng chờ thương gia trở thành xu hướng "hot" tại Mỹ

Ngày càng có nhiều khách du lịch nhận được quyền lợi sử dụng phòng chờ sân bay, biến nơi từng là không gian nhỏ, dành riêng cho một lượng khách hàng nhất định thành điểm dừng chân không thể bỏ qua của hàng triệu hành khách…

Một bức tranh màu nước về bất động sản do James Mayer de Rothschild xây dựng, nơi nhiều tác phẩm trong cuộc đấu giá trước đây đã được trưng bày.

Bộ sưu tập của gia tộc Rothschild trị giá hơn 62,6 triệu USD

Bộ sưu tập khổng lồ về nghệ thuật, đồ nội thất làm từ bạc, gốm sứ và trang sức được lưu giữ trong gia tộc Rothschild từ lâu. Những món đồ quý giá này đã được bán với giá hơn 62,6 triệu USD trong những cuộc đấu giá tại Christie's New York...

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…