Năm 2017: “Thử lửa” doanh nghiệp ngành săm lốp

Giá nguyên liệu đầu vào chính duy trì ở ngưỡng thấp đã từng tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp ngành cao su săm lốp bứt phá về hiệu quả.
Năm 2017: “Thử lửa” doanh nghiệp ngành săm lốp

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, mức tăng trưởng trong ngành có xu hướng chững lại. Với sự tăng giá mạnh của cao su tự nhiên những tháng cuối năm 2016, giá dầu mỏ phục hồi, cùng sức ép cạnh tranh ngày càng tăng của sản phẩm Trung Quốc… các doanh nghiệp ngành săm lốp đứng trước những thử thách mới trong năm 2017.

Nhiều khó khăn thấy trước

Hiện trên thị trường chứng khoán có 3 doanh nghiệp ngành cao su săm lốp niêm yết và đã định hình thương hiệu với người tiêu dùng là CTCP Cao su miền Nam (Caosumina-CSM) tại thị trường miền Nam, CTCP Cao su Sao vàng (SRC) tại miền Bắc và CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) tại thị trường miền Trung.

Cho đến nay, dù chưa có thông tin chính thức về kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này, nhưng với sự sụt giảm kết quả kinh doanh so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2016 và tình hình hoạt động những tháng gần đây, hầu hết các dự báo đều cho rằng, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2016 sẽ khó có đột biến.

Sau giai đoạn 2012-2014 hưởng nhiều yếu tố thuận lợi, mức tăng trưởng có tín hiệu chững lại từ đầu năm 2015 khi các yếu tố tích cực trở nên bão hòa và đã phản ánh vào kết quả kinh doanh. Đặc biệt, từ cuối 2016, thị trường đang có nhiều yếu tố bất lợi đối với ngành săm lốp.

Năm 2017: “Thử lửa” doanh nghiệp ngành săm lốp ảnh 1

Đầu tiên là giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tính đến giữa tháng 1/2017, giá cao su tự nhiên trên sàn Tokyo đã tăng hơn 80% so với thời điểm cuối quý III/2016, vượt mức đỉnh cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, (trước đó, giá cao su trung bình 9 tháng 2016 tăng khoảng 14,7% so với mức trung bình năm 2015).

Giá dầu WTI cuối năm qua cũng tăng tới hơn 100% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu thô năm 2017 sẽ đạt bình quân 55 USD/thùng (tăng 25% so với mức bình quân 44 USD/thùng năm 2016). Cao su (tự nhiên, tổng hợp) là nguyên liệu đầu vào quan trọng, chiếm hơn 50% chi phí nguyên vật liệu của ngành săm lốp, khi nguồn nguyên liệu giá rẻ không còn, biên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Thứ hai là áp lực cạnh tranh đang ngày càng tăng tại thị trường trong nước, đặc biệt là phân khúc sản phẩm dành cho ô tô, vốn là động lực tăng trưởng chính của ngành. Những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc)… ngoài xuất khẩu cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó là cạnh tranh từ săm lốp nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc – sản phẩm có giá rẻ nhất thế giới, thường thấp hơn khoảng 20% so với nhà sản xuất khác.

Áp lực này khiến các doanh nghiệp liên tục phải giảm giá bán để cạnh tranh, chẳng hạn, trong nửa đầu năm 2016, giá bán của CSM đã giảm khoảng 9,87%, trong đó giảm mạnh nhất là các nhóm sản phẩm lốp ô tô. Với lộ trình cam kết hội nhập, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, áp lực cạnh tranh đang ngày càng tăng, khiến doanh nghiệp giảm tính chủ động trong khả năng tăng giá bán đầu ra.

Ngoài ra, những biến động bất thường về tỷ giá, gia tăng chi phí vận chuyển, chi phí nhân công… cũng là khó khăn nhãn tiền. Năm 2017, các công ty trong ngành đều chịu nhiều thách thức, đòi hỏi phải tích cực tiết giảm chi phí, tìm hướng đi mới, thị trường mới. 

CSM: Triển vọng dự án lốp bán thép

Tháng 4/2014, CSM đã khánh thành nhà máy lốp radian toàn thép đầu tiên sau 2 năm xây dựng, theo Ban lãnh đạo Công ty, mức hòa vốn của nhà máy là 200.000 sản phẩm/năm. Sau năm 2015 sản lượng tiêu thụ thấp, kế hoạch tiêu thụ năm 2016 mới là 120.000 lốp, chưa đạt điểm hòa vốn. Dù vậy, sản lượng ước tính tiêu thụ thực tế cả năm vẫn thấp hơn kế hoạch đặt ra. Khó khăn khi sản phẩm mới chưa được thị trường chấp nhận, trong khi chi phí vận hành, khấu hao tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của CSM trong 2 năm trở lại đây.

Trước tình hình đó, trong năm 2016, CSM đẩy mạnh dự án lốp radian bán thép với công suất 500.000 lốp/năm, với đầu ra được Tireco - nhà tiêu thụ lốp thứ 4 của Mỹ ký hợp đồng đảm bảo bao tiêu, không chỉ giúp gia tăng doanh thu, mà còn tận dụng được một phần nhà máy radian toàn thép hiện dư thừa công suất, qua đó tăng tính hiệu quả của tài sản, cải thiện biên lợi nhuận.

Theo cập nhật mới từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), hợp đồng đầu tiên đã được ký trong tháng 11 vừa qua. CSM kỳ vọng xuất khẩu được 250.000 lốp bán thép này trong năm 2017, doanh thu ước tính 300-400 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp khoảng 12-15%, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, thông tin di dời mặt bằng tại văn phòng Nguyễn Biểu, quận 5, TP. HCM (diện tích 2.200 m2) và Xí nghiệp Bình Lợi – Thủ Đức (khoảng 3 ha) sẽ là điểm nhấn quan trọng, không chỉ đem lại khoản lợi nhuận bất thường, mà còn giúp tăng thêm dòng tiền cho doanh nghiệp, được thị trường chờ đợi trong năm 2017.

Năm 2017: “Thử lửa” doanh nghiệp ngành săm lốp ảnh 2 
DRC: Kỳ vọng từ các thị trường xuất khẩu

Tương tự như CSM, Nhà máy Radian - chiến lược phát triển quan trọng của DRC cũng chưa đem lại hiệu quả kỳ vọng.

Cuối quý III/2013, DRC đưa nhà máy sản xuất lốp Radian giai đoạn 1 vào hoạt động với tổng chi phí đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng. Trong năm 2015, mức trích khấu hao cho dây chuyền Radial vào khoảng 203 tỷ đồng trong tổng số 246 tỷ đồng của toàn Nhà máy. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy mới chưa đóng góp được nhiều vào kết quả kinh doanh, trong khi chi phí khấu hao và lãi vay tạo áp lực lớn.

Tính đến hết năm 2015, công suất của giai đoạn 1 mới đạt 59% và chưa đến điểm hòa vốn (công suất cần đạt khoảng 80%). Đến hết quý II/2016, sản lượng tiêu thụ lốp Radian mới hoàn thành 38,2% kế hoạch năm. Dù vậy, tháng 12/2016, DRC cũng đã công bố thông tin vay vốn để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Nhà máy Radian với công suất 600.000 lốp/năm. Có thể thấy, dù khó khăn, tập trung vào sản phẩm Radian vẫn là chiến lược chính của DRC và nhiệm vụ là làm sao để tăng cường đầu ra cho sản phẩm, được thị trường chấp nhận.

Điểm sáng cho DRC là tại các thị trường xuất khẩu đang có nhiều thông tin tích cực. Tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang đánh thuế chống bán phá giá 30,36% lên các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ có phiên điều trần cuối cùng về mức thuế vào ngày 24/1/2017 và dự kiến tiến hành bỏ phiếu vào ngày 22/2/2107 với xu hướng yêu cầu áp thuế cao hơn đối với Trung Quốc. DRC đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này, nếu Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên lốp xe từ Trung Quốc cao hơn sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh về giá cho DRC.

Bên cạnh đó, DRC là công ty duy nhất tại Việt Nam có chứng nhận BIS để xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, giúp sản lượng tiêu thụ tiến gần điểm hòa vốn trong bối cảnh Hiệp hội Các nhà sản xuất lốp xe (ATMA) tại Ấn Độ cũng thể hiện mong muốn chính phủ nước này áp thuế chống bán phá giá đối với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đang chiếm 30-40% thị phần tại đây.

SRC: chờ đột biến từ Dự án Nguyễn Trãi

Hiện SRC đang gấp rút di dời nhà máy từ Nguyễn Trãi, Hà Nội về Hà Nam, với hạn cuối là năm 2018. Thông tin được chú ý nhất thời gian qua xoay quanh việc sử dụng lô đất “vàng” sau khi di dời có diện tích 62.438 m2 tại đây.

Giữa tháng 6/2016, SRC công bố việc hợp tác với Tập đoàn Hoành Sơn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó SRC giữ 26% vốn điều lệ, để triển khai Dự án Nguyễn Trãi, đồng thời cho biết sẽ thoái vốn tại đây sau khi dự án hoàn thành. Đây được kỳ vọng sẽ là một khoản thu đột biến, khi mà giá vốn khoản đầu tư này thấp và thực chất được Hoành Sơn “nộp hộ”.

Theo hợp đồng, SRC nhận từ Hoành Sơn số tiền 435 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2018 để di dời nhà máy. Hiện các báo cáo tài chính gần nhất chưa ghi nhận số tiền này. Khoản lợi nhuận bất thường này sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm 2017.

Cũng cần lưu ý rằng, dù việc ghi nhận có thể đem lại những đột biến tài chính, nhưng trong thời gian chuyển dời nhà máy, cùng với những khó khăn của thị trường săm lốp hiện tại, dự báo kết quả kinh doanh của SCR sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là khi DRC cũng như CSM được cho là đang lên kế hoạch thâm nhập sâu hơn thị trường miền Bắc, nhằm tận dụng thời điểm sản xuất của SRC bị đình trệ bởi việc di dời nhà máy.

Có thể thấy, lốp Radian không phải là “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp săm lốp “cất cánh”, nhưng là xu thế của thị trường, nên các doanh nghiệp không thể đứng ngoài, dù hiệu quả của các nhà máy chưa cao. SRC cũng dự kiến đầu tư Nhà máy lốp Radian với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 80%. Tuy chưa có thông tin chi tiết hơn, nhưng không loại trừ khả năng nhà máy sẽ được đầu tư ngay trong quá trình di dời về Hà Nam và nhận được nguồn tiền hỗ trợ từ Hoành Sơn.

Ẩn số nhà nước thoái vốn

Bên cạnh những thông tin về kết quả kinh doanh, thông tin về cổ tức và thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý.

Vinachem hiện là cổ đông lớn tại cả 3 doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết, tỷ lệ nắm giữ tại DRC là 50,51%, CSM là 36,43% và SRC là 51,01%, qua đó có sự chi phối đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là chính sách phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong năm vừa qua, dù tiến hành đầu tư dự án lớn, các doanh nghiệp săm lốp niêm yết đều có tỷ lệ chi trả cổ tức ấn tượng. Tổng lượng cổ tức mà cổ đông DRC thực nhận trong năm 2016 là 70% (30% cổ phiếu và 45% tiền mặt), SRC là 57% (40% cổ phiếu và 17% tiền mặt), CSM là 70% (40% cổ phiếu và 30% tiền mặt). Có lẽ dòng tiền hoạt động kinh doanh dương trong nhiều năm, cùng cơ cấu tài chính ổn định là cơ sở để các công ty “hào phóng” với cổ đông của mình. Mặt khác, với lộ trình thoái vốn tại các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, thị trường cũng chờ đợi động thái thoái vốn của Vinachem tại các doanh nghiệp này.

Mùa đại hội đồng cổ đông 2017 đang đến gần, dù triển vọng 2017 là khó khăn, song cổ đông của nhóm doanh nghiệp ngành săm lốp vẫn đang hy vọng sẽ có nhiều thông tin bất ngờ, tích cực về kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức, hay những thông tin thoái vốn nhà nước, trả doanh nghiệp về hoạt động theo cơ chế thị trường hé lộ trong thời gian tới.           

Theo Khắc Lâm/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Nhiều doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này giúp họ thu về khoản lãi tiền gửi lớn, con số tương đương với lợi nhuận ròng cả năm mà nhiều doanh nghiệp khác phải nỗ lực đạt được...

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Hai trong ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi điểm nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ và các nhà đầu tư háo hức chờ đợi báo cáo tài chính từ Nvidia. Trong khi đó, cổ phiếu Walmart cũng tăng mạnh sau khi nhà bán lẻ nâng dự báo doanh thu hàng năm…

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...