Tại hội nghị tổng kết năm ngày 16/1, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Vinaconmin cho biết năm 2017 công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và sự biến động của thị trường than - khoáng sản, dẫn tới sản lượng tiêu thụ than cho điện giảm 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm. Cùng với đó, việc giá tính thuế tài nguyên được điều chỉnh tăng so giá bán ra trên thị trường; điều kiện khai thác ngày càng phải xuống sâu và đi xa hơn; nhu cầu sử dụng than sản xuất trong nước giảm cũng là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Tuy nhiên, Vinacomin đã chủ động điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình thị trường, vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cụ thể, sản xuất than nguyên khai đạt 35 triệu tấn (đạt 100,4% so với kế hoạch điều chỉnh); than thương phẩm sản xuất đạt 32,25 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 35,6 triệu tấn (riêng than bán cho hộ điện đạt 23,6 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so với thực hiện năm 2016), xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch; nhập khẩu 97.000 tấn.
Sản phẩm alumin (quy đổi) đạt 1,14 triệu tấn, đạt 116,7% kế hoạch năm, bằng 190% so cùng kỳ (trong đó, Nhà máy alumin Nhân Cơ năm đầu tiên đi vào sản xuất đạt sản lượng cao 501.000 tấn), tiêu thụ alumin đạt 1,10 triệu tấn, đạt 112,5% kế hoạch năm, bằng 169% so cùng kỳ. Các sản phẩm khoáng sản khác như đồng tấm, kẽm thỏi, quặng sắt, thiếc…; vật liệu nổ công nghiệp cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2017, sản lượng điện do TKV sản xuất đạt 9,38 tỷ kWh, bằng 100,4% kế hoạch năm và bằng 110,4% thực hiện năm 2016.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 109.200 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với thực hiện năm 2016.
Năm 2018, Vinacomin đặt ra mục tiêu doanh thu là 113.800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.000 tỷ đồng…
Đánh giá về hoạt động của Vinacomin, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sản lượng tiêu thụ than giảm 4 triệu tấn nhưng công ty vẫn có lãi đến 2.500 tỉ đồng là kết quả tích cực. Song việc tiêu thụ than của công ty hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngành điện, ximăng. Cơ cấu và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn tới giảm lượng than tiêu thụ, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động.
Nguyên nhân là do công nghệ chưa hiện đại, việc khai thác sâu cũng như nguồn lực, quản trị và đầu ra của TKV còn lúng túng, hiệu quả thấp cộng với có tình trạng gian lận thương mại.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017.
Tập đoàn cũng phải đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, đầu tư, khai thác, nhất là đảm bảo an toàn trong khai thác hầm lò; bảo vệ môi trường trong khai thác, gắn bảo vệ với phục hồi môi trường sau khai thác; tăng cường trật tự kỷ cương trong khai thác, mua bán than; chăm lo đời sống việc làm người lao động; chăm lo hỗ trợ cho người dân vùng dự án…
>> Vinacomin thoái vốn khỏi Vinacomin Power, cổ phiếu DTK liệu có trở nên hấp dẫn?