Năm 2020, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp trở ngại hơn trong phát hành trái phiếu

Theo báo cáo triển vọng ngành bất động sản năm 2020 của CTCK VnDirect , việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong năm nay.
Năm 2020, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp trở ngại hơn trong phát hành trái phiếu

Nguyên nhân được cho là các ngân hàng tiếp tục hạn chế cung ứng vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản để tuân thủ việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% trong tháng 1 năm 2020 về 37% trong tháng 9 năm 2020 và tăng hệ số rủi ro cho khoản vay kinh doanh bất động sản lên 200% kể từ 2020.

Bên cạnh đó, Nhà nước tăng cường giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020. NHNN đã lên tiếng cảnh báo trong quý III/2019 về việc các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm mục đích cơ cấu nợ vay.

Động thái trên sẽ tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2020 do đối tượng người mua là các ngân hàng thương mại chiếm đến 32,4% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thêm vào đó, có khoảng 20% lượng phát hành trái phiếu có lãi suất coupon khoảng 15%-20%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thị trường là 10%-11%/năm. Bộ Tài Chính đã cảnh báo rủi ro vỡ nợ đối với trái phiếu có lãi suất coupon quá cao.

Theo đó, báo cáo của VNDirect nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạm hạ nhiệt trong năm 2020 sau khi các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của đối tượng phát hành.

"Nhìn chung, chúng tôi lo ngại các công ty kinh doanh bất động sản sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi tìm kiếm quỹ đất cũng như mở bán dự án. Chỉ có những chủ đầu tư với tiềm lực tài chính mạnh, đòn bẩy tài chính thấp hay các chủ đầu tư nước ngoài có thể miễn nhiễm với sóng gió trên", báo cáo nêu rõ.

Trước đó, theo dữ liệu của công ty Fiinpro, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong năm 2019 đạt hơn 74.000 tỷ đồng, tăng trưởng 292% so với năm ngoái, chiếm tổng 34,1% tổng lượng trái phiếu phát hành của toàn thị trường. 

Sự gia tăng lượng trái phiếu được phát hành do nhiều nguyên nhân, trong đó, phần lớn là ngân hàng thắt chặt dòng vốn kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, các nguồn vốn khác như FDI, huy động vốn từ nhà đầu tư thứ cấp, mua bán sáp nhập… vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm