Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trong 11 tháng qua, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, mang về hơn 3,23 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu cán mốc trên 7 triệu tấn, doanh thu ước đạt 3,55 - 3,6 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2022, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nên năng suất và sản lượng lúa gạo đều vượt kế hoạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, chăn nuôi, dự phòng giống và xuất khẩu.
Năm qua, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Mỹ...
Bên cạnh gạo trắng, các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đưa gạo Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường quốc tế. Đơn cử, gạo thơm được xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu với giá bình quân 650 USD/tấn; gạo ST24, ST25 xuất sang EU có giá trên 1.000 USD/tấn hay gạo Jasmin được bán trên toàn hệ thống của E.Leclers của Pháp...