Xu thế chứng khoán tuần 9-13/1: Tiếp tục chốt lời “lấy lộc” đầu năm

Dự báo chứng khoán tuần tới, việc MACD ở khung đồ thị chưa có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên xác suất giảm điểm mạnh của VN-Index sẽ khó xảy ra.

Chứng khoán tuần 3-6/1/2022, thị trường bật tăng trong tuần giao dịch đầu năm 2023 với thanh khoản ở mức thấp.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 44,35 điểm (+4,4%) lên 1.051,44 điểm, HNX-Index tăng 5,34 (+2,6%) điểm lên 210,65 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 10,8% so với tuần trước đó xuống 40.885 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,2% xuống 2.336 triệu cổ phiếu. 

Giá trị giao dịch trên HNX giảm 16,6% xuống 3.829 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 15,2% xuống 273 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trong tuần đầu năm chỉ có 4 phiên giao dịch, xét theo giá trị và khối lượng trung bình từng phiên thì tuần này vẫn cao hơn so với tuần giao dịch cuối năm.

Thị trường hồi phục trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều hồi phục.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 8,9% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu như PLX (+10,7%), BSR (+10,2%), OIL (+7,9%), PVD (+3,1%), PVS (+7,0%)...

Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh thứ hai với 5,6% giá trị vốn hóa, với các đại diện VCB (+5,0%), BID (+7,9%), CTG (+5,0%), TCB (+7,2%), VPB (+5,9%), STB (+8,0%), LPB (+10,3%), SHB (+6,0%)...

Cổ phiếu ngành nguyên vật liệu tăng mạnh thứ ba với 4,5% giá trị vốn hóa, nhờ diễn biến tích cực từ ngành con tài nguyên cơ bản như HPG (+7,8%), HSG (+9,5%), NKG (+8,2%)...

Ngành tài chính cũng tăng 3,9% giá trị vốn hóa nhờ lực đẩy từ ngành con chứng khoán với SSI (+6,8%), HCM (+11,0%), VND (+5,9%), VCI (+10,1%), FTS (+5,8%), SHS (+6,0%)...

Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng tăng 4,0% giá trị vốn hóa với các đại diện VNM (+4,9%), MSN (+3,0%), SAB (+8,3%)...

Các nhóm ngành còn lại đều tăng như tiện ích cộng đồng (+3,2%), Công nghệ thông tin (+3,8%), công nghiệp (+2,5%)... Chỉ có ngành Dược phẩm và Y tế giảm nhẹ 0,4% giá trị vốn hóa.

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ chín liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt gần 2.250 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 18,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, DPM là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 2,6 triệu cổ phiếu.

Dưới đây là nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần 9-13/1/2023.

chứng khoán tuần

Xác suất giảm điểm mạnh khó xảy ra

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Dưới góc nhìn kỹ thuật, chứng khoán tuần trước VN-Index kết phiên cuối tuần tạo mẫu hình nến tương tự như mẫu hình nến ngược cho thấy áp lực chốt lời T+ đã xuất hiện mạnh hơn. Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI đã tạo 2 đỉnh và có dấu hiệu suy yếu báo hiệu cho việc rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra nếu áp lực bán gia tăng. 

Hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ nằm trong vùng điểm 1030. Tuy nhiên việc MACD (đường trung bình động hội tụ phân kỳ) ở khung đồ thị này chưa có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên xác suất giảm điểm mạnh của VN-Index sẽ khó xảy ra. 

Khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động hiện thực hóa lợi nhuận đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công ở các phiên trước để tối ưu hóa lợi nhuận. Thêm vào đó, những phiên rung lắc mạnh của thị trường cũng sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc lướt sóng T+ trong ngắn hạn đối với những nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí. 

Duy trì nhịp tăng ngắn hạn

Chứng khoán MB (MBS)

Một phiên chốt lời thuần túy “lấy lộc” đầu năm khi chỉ số VN-Index không vượt qua được vùng cản quanh ngưỡng 1.064 điểm, thanh khoản trong phiên sáng quá thấp do dòng tiền nội thận trọng có thể là nguyên nhân khiến thị trường không duy trì được đà tăng và đánh mất thành quả ở phiên chiều. 

Về kỹ thuật, mặc dù thị trường điều chỉnh nhưng tuần vừa qua là tuần tăng mạnh của chỉ số VN-Index với mức tăng 4,4%, tương đương 44,35 điểm. Thậm chí, chỉ số này còn nằm trong top các thị trường trên thế giới có mức tăng mạnh nhất ở tuần đầu năm mới. 

Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ chưa phải là tín hiệu xấu, dòng tiền trong phiên chiều tăng lên cho thấy lực cầu vẫn canh mua ở vùng hỗ trợ. Dự báo chứng khoán tuần tới VN-Index vẫn có khả năng duy trì nhịp tăng ngắn hạn với vùng hỗ trợ ở 1.024 – 1.030 điểm.

Đi ngang ngắn hạn vùng 1030 – 1070 điểm

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Chứng khoán tuần 3-6/1, VN-Index đóng cửa với cây nến giảm điểm cùng với giá đóng cửa ở vùng thấp trong ngày đi kèm thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số tiệm cận vùng kháng cự. Thị trường tiếp tục một lần nữa chịu áp lực giảm điểm khi tiệm cận vùng giá trị hội tụ giữa đỉnh hồi phục đầu tháng 10 năm ngoái hay vùng tích lũy đi ngang giữa tháng 12. 

Việc chỉ số điều chỉnh trở lại khi gặp vùng kháng cự mạnh và sau nhiều phiên tăng điểm là điều hết sức bình thường dù cho số mã giảm điểm có chiếm đại đa số. Nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt chính của thị trường hiện tại là nhóm ngân hàng vẫn đang cho thấy trạng thái rất tích cực dù nhiều mã trong nhóm ngành này gặp vùng kháng cự ngắn hạn. 

Dự báo chứng khoán tuần tới, chỉ số dự báo sẽ trở lại trạng thái đi ngang ngắn hạn quanh vùng 1030 – 1070 điểm và tích lũy trở lại. Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp ghi nhận một phiên điều chỉnh trở lại nhưng đây vẫn là nhóm ngành tăng giá tốt.

Rủi ro tiếp tục mở rộng điều chỉnh

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index tăng điểm tích cực trong phiên trước khi dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm về cuối phiên. Áp lực chốt lời gia tăng quanh ngưỡng cản gần 105x đã khiến cho chỉ số tiếp tục có một phiên vượt cản bất thành. 

Mặc dù xu hướng hồi phục trong ngắn hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh trong các phiên kế tiếp xuống vùng hỗ trợ gần quanh 103x.

Với thị trường chứng khoán tuần tới, khuyến nghị thực hiện bán trading một phần vị thế ngắn hạn tại vùng kháng cự và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.

MA 20 sẽ quanh vùng 1.030 – 1.031

Chứng khoán SSI (SSI)

Nếu như phiên sáng ngày 6/1 ghi nhận cơ hội dành cho bên dài hạn thì phiên chiều chứng kiến bên ngắn hạn chiếm ưu thế trở lại trên thị trường tương lai. Hợp đồng tháng 1 đóng cửa quanh vùng 1.051 điểm (-2,8 điểm). 

Diễn biến chính tại cả 4 hợp đồng, F1M cho thấy độ lệch đã có sự thu hẹp về -6,4 điểm. Khối lượng giao dịch tính riêng F1M cải thiện đáng kể so với phiên liền trước, đạt hơn 333,7 nghìn hợp đồng.

Về quan điểm thị trường, dự báo chứng khoán tuần tới khu vực MA 20 ngày (quanh vùng 1.030 – 1.031) sẽ quyết định xu thế của chỉ số thị trường. Trong trường hợp chỉ số điều chỉnh nhưng vẫn duy trì trên vùng hỗ trợ kể trên, đà hồi phục có thể vẫn tiếp diễn với vùng kháng cự gần 1.070 điểm. MACD trên đồ thị ngày của VN-Index sau khi tạo đỉnh số 1, đang cắt lên mức 0 và hình thành đỉnh số 2.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm