Nasdaq và S&P 500 giảm sâu, tâm lý thận trọng về AI bao trùm thị trường

Đà suy giảm của cổ phiếu công nghệ đã gây áp lực lớn lên Phố Wall, đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về nhu cầu đối với AI trong khi chờ đợi báo cáo kinh doanh của Nvidia…

Nasdaq và S&P 500 giảm sâu, tâm lý thận trọng về AI bao trùm thị trường

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones Industrial Average nhích 33,19 điểm (+0,08%) lên 43.461,21 điểm, S&P 500 giảm 29,88 điểm (-0,50%) xuống 5.983,25 điểm, trong khi Nasdaq mất 237,08 điểm (-1,21%) còn 19.286,93 điểm.

Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của cả S&P 500 và Nasdaq, đồng thời cũng là phiên giảm hơn 1% thứ tư trong tháng Hai của Nasdaq.

Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, lĩnh vực y tế dẫn đầu với mức tăng 0,75% trong khi công nghệ ghi nhận đà giảm mạnh nhất 1,43%.

Nvidia là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên S&P 500, mất 3,1%; tiếp theo là nhà sản xuất chip Broadcom giảm 4,9% và Amazon.com trượt 1,8%. Cổ phiếu Microsoft cũng kết thúc phiên giảm 1%. Một tên tuổi quen thuộc khác trong lĩnh vực AI là Palantir Technologie, lao dốc 10,5%.

Các nhà đầu tư hiện đang bày tỏ lo ngại về triển vọng đối với nhu cầu chip AI đắt đỏ của Nvidia khi công ty chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh vào ngày 26/2. Hàng loạt câu hỏi về mức độ chi tiêu quá lớn cho công nghệ AI đã gia tăng sau khi mô hình AI “giá rẻ” DeepSeek của Trung Quốc gây chấn động toàn ngành.

Thêm vào bầu không khí bất ổn, báo cáo từ TD Cowen cho biết Microsoft Corp đã hủy bỏ hợp đồng thuê một lượng lớn trung tâm dữ liệu tại Mỹ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dư cung cơ sở hạ tầng AI. Tuy nhiên, Microsoft khẳng định kế hoạch đầu tư hơn 80 tỷ USD vào AI và điện toán đám mây trong năm nay vẫn được giữ nguyên, nhưng họ có thể điều chỉnh hoặc tạm dừng triển khai ở một số khu vực.

“Thị trường vốn đang chao đảo và cần tìm một lý do để chốt lời”, ông Gene Goldman, Giám đốc đầu tư tại Cetera Investment Management nhận xét. Ông cho rằng bất kỳ nghi ngờ nào về AI cũng trở thành động lực để nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận, vì lĩnh vực này từng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng Phố Wall trong những năm qua.

Ở một số diễn biến riêng lẻ, Apple tăng 0,7% sau khi “Nhà Táo” công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong bốn năm tới, bao gồm việc xây dựng một nhà máy sản xuất máy chủ AI tại Texas.

Cổ phiếu Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet đạt mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch sáng nhờ báo cáo lợi nhuận vô cùng khả quan. Cổ phiếu hạng B của công ty cũng tăng hơn 4% vào cuối phiên.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 15,32 tỷ cổ phiếu, tương tự mức trung bình 15,34 tỷ trong 20 phiên vừa qua.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Dữ liệu có thể giúp thị trường đánh giá thời điểm Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay. Theo công cụ FedWatch của CME Group, giới giao dịch hiện kỳ vọng Fed sẽ nguyên lãi suất cho đến tháng 6.

Ngoài các quan ngại về thuế quan và lạm phát, tâm lý thị trường càng trở nên bất an sau hàng loạt dữ liệu kinh tế yếu kém vào tuần trước và dự báo ảm đạm từ nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Walmart. “Loạt biến động hiện nay là bởi thị trường không chắc liệu chúng ta đang đối mặt với rủi ro suy giảm tăng trưởng hay rủi ro lạm phát”, ông Gene Goldman kết luận.

GIÁ DẦU PHỤC HỒI

Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 35 cent, tương đương 0,5%, lên 74,78 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 30 cent, tương đương 0,4%, lên 70,70 USD/thùng.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào ngành dầu mỏ Iran, bao gồm cả các bên môi giới, công ty vận tải và điều hành tàu chở dầu chuyên vận chuyển dầu thô Iran.

Điều này đã đẩy giá dầu đi lên, song song với tin tức Bộ Dầu mỏ Iraq khẳng định cam kết tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+, theo chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng xuất khẩu dầu thô Iran vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng giá dầu có thể chịu áp lực nếu các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine tiến triển, giúp mở đường cho dầu Nga quay trở lại thị trường, cùng với hàng loạt chính sách thuế của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và nhu cầu dầu thô.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Sabeco chi gần 3.800 tỷ đồng trả cổ tức

Sabeco chi gần 3.800 tỷ đồng trả cổ tức

Trong khi nhiều doanh nghiệp dè dặt thắt chặt dòng tiền, Sabeco lại khiến thị trường xôn xao với kế hoạch chi cổ tức tiền mặt lên tới gần 3.800 tỷ đồng dù kết quả kinh doanh quý I vẫn đang chịu sức ép từ cạnh tranh và chính sách thuế...

Chứng khoán Mỹ trượt giảm, giá dầu tăng vọt 3%

Chứng khoán Mỹ trượt giảm, giá dầu tăng vọt 3%

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra những phát biểu thiếu chắc chắn về các thỏa thuận thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang thận trọng chờ đợi quyết định lãi suất từ Fed…

Dòng tiền chưa trở lại, VN-Index vẫn phải chờ cú hích từ đàm phán thương mại Việt - Mỹ

Dòng tiền chưa trở lại, VN-Index vẫn phải chờ cú hích từ đàm phán thương mại Việt - Mỹ

Ngày đầu vận hành hệ thống KRX, thị trường chứng khoán Việt Nam bật tăng trong kỳ vọng nâng hạng, nhưng đà phục hồi vẫn thiếu lực khi dòng tiền còn dè dặt và các công ty chứng khoán cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn trước khi bước vào xu hướng rõ ràng hơn...

 Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Giữa những thách thức của nền kinh tế, các "ông lớn" như Vingroup, Techcombank, Tập đoàn Hoa Sen vẫn đang âm thầm tìm kiếm cơ hội tái cấu trúc và mở rộng hoạt động kinh doanh. Một trong những chiến lược họ nhắm tới chính là IPO các công ty con...