Sáng 23/11, “Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018” (HEF 2018) đã diễn ra dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với Sở Ngoại vụ TP tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện không có tiền lệ và làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất.
Chính vì thế, để xây dựng thành công Khu đô thị sáng tạo, thành phố cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.
Trong đó, doanh nghiệp vừa đóng vai trò trung tâm, vừa là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải nâng cao nâng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hàm lượng chất xám cao. Doanh nghiệp còn là nơi đặt hàng, cung cấp nguồn nhân lực, tài chính, và quan trọng hơn là nơi xuất phát và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ mới.
Đồng quan điểm, TS.Ahmad Magard, Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore, cho hay cần có một tầm nhìn chung hấp dẫn để tạo ra các DN mạnh và kiên cường, không chỉ thành công mà còn nâng cao được khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của TPHCM.
Từ đó, các DN SMEs sẽ trở thành các thực thể kinh doanh đẳng cấp thế giới bằng nhiều “công thức” biến chuyển chuyên nghiệp khác nhau như: Cách quản lý chuyên nghiệp; xuất sắc về phương thức, quản lý khách hàng và cam kết; có khả năng sáng tạo và khai thác tri thức mới, các công nghệ tiên tiến để phát triển các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao.
Ngoài ra, đây sẽ là một nguồn doanh nhân và sáng tạo thông qua quan hệ đối tác chiến lược với các công ty đa quốc gia và DN SMEs ở nước ngoài, sản xuất và chuyển giao các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và dịch vụ chuyên nghiệp cho khu vực và trên toàn cầu.
Mặc khác, hiên nay một số DN SMEs thường phải đối mặt với những điểm yếu về cơ cấu, những yếu tố khiến họ hoạt động kém hiệu quả và thiếu sáng tạo. Những điểm yếu này bao gồm: Thiếu kỹ năng quản lý, thiếu nhân lực chuyên môn và kỹ thuật, thiếu các công nghệ ngày nay, cách thức hoạt động lỗi thời và kém hiệu quả và khả năng có hạn trong việc tận dụng lợi thế của kinh tế quy mô.
“Nếu họ không thực hiện các bước để khắc phục những điểm yếu này thì họ sẽ mất khả năng cạnh tranh trong việc phát triển và trong thế giới VUCA (nhiều biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ) luôn thay đổi”, TS.Ahmad Magard nhận định.
Ông Jay Wadhwani, Trưởng điều hành MHI-AP khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho rằng để khắc phục những điểm yếu mà hiện nay các DN đang mắc phải cần phải bồi dưỡng khả năng đổi mới sáng tạo trong nội bộ.
Khuyến khích và tạo ra một “tư duy và văn hóa của nhân viên có đầu óc đổi mới sáng tạo” là một quá trình đòi hỏi sự lãnh đạo từ trên xuống dưới và sự cởi mở trong việc chia sẻ ý tưởng giữa các dòng sản phẩm và các bộ phận khác nhau. Nguồn lực, thời gian và kinh phí là yếu tố then chốt đảm bảo hoàn thành mục tiêu cải thiện quy trình đổi mới sáng tạo này.