Vn-Index kết thúc tháng 3 đạt 662,53 điểm, giảm 31,2% so với sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Vn-Index đã tăng nhiều phiên liên tiếp gần đây hiện đang ở mốc 767,41 điểm, phục hồi hơn 14,4% so với cuối tháng 3.
Các kịch bản
Theo đó, trong kịch bản lạc quan là sớm có vaccine hoặc thuốc điều trị và được triển khai sớm. Các biện pháp hạn chế vì dịch bệnh có thể được gỡ bỏ trong tình huống này, đồng nghĩa kinh tế toàn cầu chỉ mất hai quý tăng trưởng âm và nhiều khả năng tạo nên sự hồi phục hình chữ V.
Chứng khoán trong nước cũng không ngoại lệ. Dư âm của các chính sách kích thích kinh tế được triển khai trong thời gian chống dịch giúp VN-Index đi lên nhanh chóng, thanh khoản dồi dào hơn so với trước lúc Covid-19 bùng phát. Chỉ số được kỳ vọng ở mức giá trị hợp lý dài hạn 778-810 điểm, cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn thị trường xuống thấp nhất trong đợt dịch.
Đối với kịch bản cơ sở là không thể sớm có thuốc điều trị hoặc triển khai vaccine nhưng thị trường tài chính và vấn đề thanh khoản được giải quyết bằng chính sách tài khoá, tiền tệ. Kinh tế toàn cầu có thể trải qua ba quý tăng trưởng âm trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng gập ghềnh.
Giá trị hợp lý của Vn-Index khi đó nằm trong khoảng 672-692 điểm, cao hơn 2-5% so với "vùng đáy" mới được thiết lập từ đầu năm đến nay. Chỉ số sẽ mất thêm thời gian chờ đợi nền kinh tế dần thoát khỏi suy thoái để tiến lên ngưỡng như kịch bản tích cực.
Trường hợp xấu nhất là vaccine/thuốc không thể sớm triển khai và các vấn đề của nền kinh tế cũng không được giải quyết hay còn được gọi là kịch bản tiêu cực. Doanh nghiệp có thể đóng cửa hàng loạt, kéo theo tình trạng thất nghiệp lan rộng và dẫn đến suy thoái kéo dài 18 tháng như trường hợp khủng hoảng tài chính năm 2008.
Áp dụng phương pháp tính hệ số P/E được điều chỉnh theo yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, Vn-Index được dự đoán giảm xuống mức định giá tương đương năm 2008, là 515-527 điểm.
Yuanta cho biết, vaccine hoặc thuốc cho Covid-19 có thể ứng dụng sớm hay không là sự khác biệt lớn nhất giữa kịch bản tiêu cực và tích cực. Nhóm phân tích cho rằng, vaccine khó được phát triển nhanh nhưng chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ cứu vãn vấn đề thanh khoản. Kịch bản cơ sở vì thế có nhiều khả năng xảy ra nhất trong bối cảnh hiện nay.
Vẫn còn nhiều gập ghềnh
Sự thay đổi ở giai đoạn hậu đại dịch được dự báo tạo nên sự phân hoá cực đoan giữa các tài sản rất đắt và rất rẻ. Nhà đầu tư chỉ nên rót tiền vào những doanh nghiệp chất lượng mà họ có thể chắc chắn sống sót sau đại dịch và hồi phục gập ghềnh trong thời gian dài.
Thực tế, diễn biến dịch bệnh Covid-19 là rất khó lường và việc khố ngoại bán ròng mạnh liên tiếp đang là những rào cản lớn cho đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Chứng khoán Dầu khí, ngoài việc khối ngoại mua ròng tháng 1 khoảng 1.700 tỷ đồng thì khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tháng 2 với giá trị hơn 3.840 tỷ đồng. Sang tháng 3, mức bán ròng còn tăng mạnh đột biến với hơn 96.471 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại bán ròng hơn 5.095 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Khánh cho rằng, đây là tín hiệu đáng báo động phản ánh việc rút vốn cũng như chiến lược cơ cấu, thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Cũng theo ông Khánh, thị trường chứng khoán thời gian tới phụ thuộc rất nhiều về sự kiểm soát dịch bệnh trên thế giới tại các điểm nóng như Mỹ, Italy, Nhật, Đức, Tây Ban Nha...và đặc biệt là Việt Nam.
Nếu các biện pháp kiểm soát mang lại hiệu quả, cùng với phác đồ điều trị, vaccine chữa trị hiệu quả thì đỉnh dịch mà chúng ta có thể lạc quan dự báo sẽ đến ngay trong quý II này.
Từ những diễn biến trên, vị chuyên gia này cũng đưa ra nhận định thị trường chứng khoán vẫn sẽ chưa thể có những đột phá và cần thêm thời gian để phục hồi kinh tế cũng như niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại.
Đồng quan điểm với ông Khánh, chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam cho biết, chúng ta chưa hoàn toàn biết được diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh hay là tác động của dịch bệnh đối với tổng thể nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp niêm yết ở trên sàn.
Cần phải mất khoảng 1 quý thì các kết quả kinh doanh trong đợt dịch bệnh vừa qua mới được phản ánh. Đã có ý kiến cho rằng, nhiều cổ phiếu đã giảm về mức tương đối hấp dẫn nhưng "có lẽ chưa nên đánh giá sớm về việc này", ông Nam chia sẻ.
Theo ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực ít nhất là trong trung hạn đối với chứng khoán thế giới và Việt Nam. Vì vậy theo ông Bách, khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh ở phía trên thì nhà đầu tư cần có những hoạt động bán giảm tỷ trọng cổ phiếu.