Các ngân hàng dự tính chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức và thưởng cổ phiếu để tăng vốn
Mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều ngân hàng đều trình xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, cải thiện chỉ số an toàn vốn (CAR), có điều kiện mở rộng tín dụng, xử lý nợ xấu…
Điệp khúc cổ tức… giấy
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (mã: VIB) là trường hợp gây bất ngờ nhất khi năm thứ 3 liên tiếp đề xuất phương án tăng vốn điều lệ gấp đôi. Theo tờ trình tăng vốn tại ĐHCĐ ngày 27/4 tới đây, VIB dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2016 và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tối đa 44,6% vốn điều lệ. Trong đó, chia cổ tức tiền mặt 5% (tuỳ thuộc phê duyệt của NHNN) và cổ phiếu thưởng 39,6% (bao gồm từ lợi nhuận luỹ kế 3,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%).
Trước đó, năm 2014-2015, VIB cũng đã thực hiện chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lần lượt 23% và 25%, giúp tăng vốn từ mức 4.250 tỷ đồng lên 5.644 tỷ đồng hiện tại.
Một phương án khác được VIB tính đến là không chia cổ tức bằng tiền mặt, mà chia hết bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng lên 44,6%. Ngoài ra, HĐQT sẽ trình ĐHCĐ việc chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhận viên bằng 0,4% trên vốn điều lệ, tương đương gần 23 tỷ đồng.
HĐQT đánh giá: “Các phương án tăng vốn điều lệ trên nhằm chuyển đổi cho VIB một vị thế mới về quy mô vốn điều lệ, sẵn sàng đáp ứng các chỉ số an toàn về vốn và thanh khoản cho hoạt động kinh doanh”. Là nhà băng hoạt động hiệu quả, VIB được chọn thí điểm chuẩn Basel II và duy trì các chỉ số tài chính ở mức khá “đẹp”, như: tỷ lệ LDR 65,6%, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn 47,1%, CAR đạt 13,5%...
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là phương án “nhất cử lưỡng tiện” cho VIB, bởi ngân hàng sẽ giữ được vài nghìn tỷ đồng lợi nhuận ở lại để tăng vốn bằng nội lực. Các cổ đông lớn sẽ gia tăng số lượng cổ phiếu để duy trì tỷ lệ chi phối, hạn chế nguy cơ thâu tóm khi sắp sửa niêm yết. Và cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ “tiết kiệm” được khoản thuế thu nhập cá nhân đáng kể…
Tương tự, ĐHCĐ thường niên năm 2017 của VPbank vừa qua đã chốt tăng vốn điều lệ thêm 32,83% do năm qua lãi khủng 3.935 tỷ đồng sau thuế. Cụ thể, chia cổ tức tới tỷ lệ 31,84% vốn bằng cổ phiếu cho hai nhóm cổ đông. Nhóm cổ phần ưu đãi được nhận cổ tức 20% trên tổng mệnh giá cổ phần ưu đãi (tương ứng hơn 146 tỷ đồng). Nhóm cổ phần phổ thông, ngân hàng sẽ chia toàn bộ cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu. do có 3.194 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối và dư quỹ đầu tư phát triển.
Ngoài ra, với mức vốn hiện đạt 10.765 tỷ đồng, VPbank có thể phát hành tăng vốn trong năm 2017 do nhu cầu vốn cần tăng thêm từ 3.000-4.000 tỷ đồng. Phương án đưa ra là chào bán riêng lẻ với mức tối đa 15%, loại cổ phần phổ thông, giới hạn chuyển nhượng trong 1 năm. Nhờ đó, vốn điều lệ của VPbank dự kiến tăng thêm 3.294 tỷ đồng lên mức 14.059 tỷ đồng ngay trong năm nay nếu được cơ quan chức năng chấp thuận.
Sau thời gian vượt khủng hoảng, ngân hàng Á Châu (mã:ACB) cũng xúc tiến kế hoạch tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10% và sẽ giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận dùng mua cổ phiếu thưởng nhân viên.
Theo Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy, năm 2017, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16%; lợi nhuận trước thuế ở mức 2.205 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, tăng cường quản lý rủi ro và nhất là từng bước triển khai lộ trình Basel II. Việc tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông sẽ giúp ACB đáp ứng tốt các quy định mới của NHNN, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng…
“Ông lớn” nhọc nhằn tăng vốn
Nhóm Big4 gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank… hiện chưa công bố kế hoạch tăng vốn trong năm 2017 dù cũng đang chịu sức ép tăng cường năng lực tài chính, an toàn vốn và cạnh tranh ngôi vị ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Còn nhớ, cả BIDV và Vietinbank đã gặp tình huống “việt vị” khi ĐHCĐ năm 2016 đều biểu quyết tán thành 100% việc không chia cổ tức của năm 2015 bằng tiền, hoặc chia bằng cổ phiếu để giữ lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận phục vụ tăng vốn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã truy đòi rốt ráo phần lợi tức của cổ đông Nhà nước, cuối cùng đã buộc BIDV và Vietinbank phải chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ lần lượt 8,5% và 10%. Từ đó đến nay, hai nhà băng này đều chưa có động thái tăng vốn và câu hỏi khi nào “ông lớn” tăng vốn vẫn còn chờ ĐHCĐ năm 2017 trong tháng 4 này.
Với Vietcombank, Công ty Chứng khoán HSC vừa hé lộ thông tin về khả năng nhà băng này đang chờ NHNN chấp thuận cho tăng vốn. Kế hoạch tăng vốn này có thể gồm phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hoặc khả năng phát hành cổ phiếu cho đối tác GIC (Singapore) mà thời gian qua vẫn đang nhùng nhằng... Liệu NHNN có xem xét lại thương vụ phát hành cho GIC hay không và các điều khoản thay đổi ra sao, đến giờ vẫn còn là ẩn số?
Với lợi nhuận đạt được trong năm 2016, như Vietinbank (8.530 tỷ đồng), Vietcombank (8.212 tỷ đồng), BIDV (7.500 tỷ đồng), các ngân hàng sẽ có nguồn vốn lớn để tăng vốn ngay. Song với những gì đang diễn ra trong việc phân phối lợi nhuận ở nhà băng có vốn nhà nước chi phối thì nhiều khả năng NHNN sẽ không chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho ba “ông lớn” này.
Hải Hà