Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã có thông báo giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu tại BIDV kể từ 1/6/2023. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023 ngân hàng BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại BIDV.
Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; BIDV đã dành gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2 điểm phần trăm so với mức thông thường của các ngân hàng.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm, BIDV đã tiên phong trong việc triển khai các gói tín dụng cạnh tranh với mức lãi suất hỗ trợ lên tới 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý.
Ngày 26/5, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) cho biết lãi suất cơ sở cho vay đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng ghi nhận mức giảm 0,3%/năm so với thời điểm trước đó, về mức 11,2%/năm kể từ ngày 20/5/2023.
Đối với các chương trình cho vay ưu đãi phân khúc khách hàng các nhân, ABBank đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 1 - 1,5%/năm đối với cho vay ưu đãi ngắn hạn (mục đích vay vốn phục vụ bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay chỉ từ 7,6%/năm) và giảm từ 1% - 2%/năm đối với cho vay ưu đãi trung hạn (lãi suất giảm xuống còn từ 11%/năm).
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng phát đi thông báo điều chỉnh hạ lãi suất cho vay. Đối với các khoản vay hiện hữu, TPBank lên phương án thực hiện giảm từ 0,2 - 1%/năm lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Cụ thể, TPBank hỗ trợ giảm từ 0,2 – 0,5%/năm lãi suất cơ sở cho tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Ước tính đến cuối năm, sẽ giảm khoảng 122 tỷ đồng tiền lãi.
Bên cạnh đó, khách hàng của TPBank được áp dụng đồng thời cả chương trình giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu khác với mức giảm từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm trong vòng 3 tháng. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm nợ này ước tính hơn 155.000 tỷ đồng.
Đối với các khoản vay mới, TPBank hiện đang áp dụng ưu đãi giảm lãi suất lên tới 3,6%/năm như khi vay mua nhà, mua ô tô hay vay để kinh doanh, các khoản vay mới của cá nhân đều được giảm từ 1 - 2 điểm phần trăm lãi suất.
Về phần khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất cho vay lên tới 3,6%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp thuộc nhóm ngành trọng tâm, hay khách hàng vay mua xe. Với các doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu, TPBank cũng chương trình ưu đãi lãi suất đặc biệt giảm tới 2 điểm phần trăm lãi suất.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã giảm lãi suất tham chiếu đối với khách hàng cá nhân vay có tài sản đảm bảo xuống 0,5%/năm với vay ngắn hạn, trung, dài hạn, áp dụng từ ngày 22/5/2023.
Như vậy, lãi suất tham chiếu cho khoản vay thế chấp ngắn hạn là 10,1%/năm. Lãi suất tham chiếu cho khoản vay thế chấp trung, dài hạn là 11,1%/năm.
Đồng thời, từ ngày 22/5, MSB điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở đối với các khoản vay không tài sản đảm bảo xuống 1%/năm. Lãi suất cơ sở đối với khoản vay tín chấp ngắn hạn là 16,5%/năm. Lãi suất cơ sở đối với khoản vay tín chấp trung dài hạn là 17%/năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã thông báo đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất cho vay, quy mô được tăng từ 20.000 tỷ lên mức 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân với ưu đãi lãi suất vay thấp hơn biểu lãi suất tối đa đến 3%/năm.
Thêm vào đó, ACB vẫn duy trì chính sách giảm từ 0,5 - 2 điểm phần trăm cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất, mức giảm cụ thể căn cứ vào mức độ sử dụng các dịch vụ thanh toán trong và nước tại ACB (thẻ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, tài khoản và mua bán ngoại tệ).
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) cũng đã đưa ra 120.000 tỷ đồng gồm các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian qua, MB Bank cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ dành cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng, chủ yếu cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay rất lớn. Đợt giảm lãi suất thứ nhất diễn ra từ 1/1 – 30/4, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%/năm trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, Vietcombank đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7, với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.
Một "big 4" khác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã có 5 lần hạ lãi suất cho vay từ đầu năm 2023 đến nay. Đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4,5%/năm tuỳ theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất đầu vào để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, sau rất nhiều động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm, giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2022.
“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nhận định.