Ngân hàng MB bất ngờ tăng vốn 1.027 tỷ đồng, chia cổ tức 11%

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) sẽ trình Đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4 phương án tăng vốn điều lệ lên 18.155 tỷ đồng nhằm tăng tốc phát triển.
Ngân hàng MB bất ngờ tăng vốn 1.027 tỷ đồng, chia cổ tức 11%

Ba năm chia cổ tức bằng cổ phiếu 5%

Theo tờ trình tăng vốn, Hội đồng quản trị MB đề xuất tăng vốn thêm hơn 1.027 tỷ đồng, từ mức hơn 17.127 tỷ đồng hiện tại lên hơn 18.155 tỷ đồng. Phương án tăng vốn chia thành 2 đợt: Đợt 1 sẽ phát hành thêm 85,63 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 của năm 2016 cho cổ đông, tương ứng giá trị vốn tăng thêm 856,37 tỷ đồng.

Với lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ là 2.082 tỷ đồng, HĐQT dự kiến trình tỷ lệ cổ tức của năm 2016 là 11% vốn điều lệ và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Trong đó, đợt 1 đã tạm ứng với tỷ lệ 6% bằng tiền mặt hồi tháng 3/2017. Đợt 2 sẽ trả thêm 5% bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Đợt 2, MB dự kiến sẽ chào bán gần 17,13 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (mệnh giá 10.000 đồng/CP), giá trị tăng vốn 171,27 tỷ đồng. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành.

Hai đợt phát hành tổng số 102,7 triệu cổ phiếu này dự kiến thực hiện trong thời gian từ quý 2 đến quý 4/2017 và thời điểm cụ thể sẽ do HĐQT quyết định trên cơ sở sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và điều kiện thị trường thuận lợi.

Ngân hàng MB cho biết nguồn tiền thu từ 2 đợt phát hành này sẽ phân bổ 270 tỷ đồng cho việc xây dựng trụ sở, văn phòng chi nhánh, công nghệ; 758 tỷ đồng bổ sung vốn khác.

Như vậy, trong 3 năm liên tục (2015-2017), MB thực hiện chính sách cổ tức 5% bằng cổ phiếu kết hợp chia bằng tiền mặt từ 5-6%. Nguồn tiền chia cổ tức từ lợi nhuận được phép phân phối, giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ.

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch tăng vốn bất ngờ sau thời gian dài im ắng, ông Lưu Trung Thái – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB đánh giá, mức tăng vốn này phù hợp với nhu cầu vốn của ngân hàng, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Theo ông Thái, trong giai đoạn 2017 – 2021, MB đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân doanh thu khoảng 20% một năm, lợi nhuận khoảng 15% một năm. Việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ số an toàn (CAR) sẽ cao theo quy định, nhất là đến năm 2019, toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chính thức áp dụng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel 2.

Các ngân hàng hiện có thể lựa chọn các cách tăng vốn, như: phát hành trái phiếu chuyển đổi dài hạn, hoặc phát hành cổ phiếu. Song ngân hàng phải cân đối nhu cầu vốn với tốc độ tăng trưởng kinh doanh, sử dụng nguồn vốn dài hạn, và đảm bảo hiệu quả vốn cho cổ đông để chọn mức tăng vốn phù hợp.

Với mức vốn điều lệ tăng lên, MB đặt ra kế hoạch tăng trưởng kinh doanh năm 2017 cao hơn. Cụ thể, tiền gửi khách hàng sẽ tăng trưởng từ 8-10%, cho vay khách hàng tăng 16%, kiểm soát nợ xấu dưới mức 1,5%, tổng tài sản tăng 10% so với mức 256.259 tỷ đồng đạt được của năm 2016.

Dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ đạt 4.532 tỷ đồng, riêng ngân hàng MB là 4.300 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 11% có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tương đương như năm 2016.

Để hoàn thành mục tiêu này, ông Lưu Trung Thái cho biết: “chúng tôi sẽ có những thay đổi trong phương thức kinh doanh. MB sẽ chuyển dịch mạnh mẽ sang mảng bán lẻ, gồm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự kiến chiếm 70% doanh thu của ngân hàng”.

MB cũng dự tính các chỉ số tài chính khả quan hơn, trong đó, tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước (năm 2016 đạt 10,82%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt xấp xỉ 13,2%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản đạt xấp xỉ 1,3%.

Năm 2016 đánh dấu sự kiện MB nhận sáp nhập thành công Công ty tài chính Sông Đà (SDFC), qua đó nâng vốn điều lệ từ mức 16.000 tỷ đồng lên mức 17.127 tỷ đồng. MBB đã tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của SDFC. Tháng 11/2016, MBB cũng đã hoàn tất việc mua thêm 30.784.186 cổ phần của Tổng công ty bảo hiểm Quân Đội (MIC) nâng tỷ lệ sở hữu của ngân hàng tại đây từ 49,77% lên 69,58%.

Với quy mô lớn hơn và mở rộng hệ thống, MB cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, cụ thể: tổng tài sản đạt 256.258 tỷ đồng tăng 25,6% so với năm 2015; huy động vốn từ khách hàng tăng gần 7,3%, đạt 194.812 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng mạnh tới 24,2%, đạt 150.737 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 1,32%, tương ứng khoảng gần 1.987 tỷ đồng. MBB phải tăng trích dự phòng rủi ro cho vay lên 2.050 tỷ đồng…

Cổ đông chiến lược SCIC đã có lời?

Sau ĐHCĐ thường niên 2016, ẩn số cổ đông chiến lược của MB đã hé lộ, chính là Tổng công ty Đầu tư & kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ ngân hàng. SCIC cũng cử một đại diện tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 là ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC.

Trước đó, Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2015 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của MB, trong đó, có việc chào bán từ 10-15% cổ phần cho cổ đông/đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Thời điểm đó, MB đưa ra chính sách thu hút đầu tư bằng việc bán cổ phiếu MBB với giá thoả thuận có mức chiết giảm tối đa là 25% giá thị trường MBB nhưng không thấp hơn mệnh giá. Việc giảm giá cổ phần này là dựa trên những giá trị khác mà cổ đông chiến lược mang lại lâu dài trong khoảng 5 – 10 năm.

Hoặc phương án bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, MB kỳ vọng sẽ đàm phán giá bán càng cao hơn giá thị trường càng tốt.

Sau một năm SCIC tham gia đầu tư vào MB, cổ đông cũng bày tỏ mối quan tâm về những hỗ trợ, đóng góp của cổ đông chiến lược này cho hoạt động của MB trong 1 năm qua và cho giai đoạn tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, giới hạn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược tối đa là 15% nên liệu SCIC có tiếp tục mua thêm cổ phần MBB trong thời gian tới hay không cũng là nội dung đáng quan tâm tại ĐHCĐ thường niên năm 2017?

Hiện, giá cổ phiếu MBB trên sàn chứng khoán giao dịch ở mức 14.900 đồng/CP. Với tỷ lệ sở hữu 10% vốn, tương ứng khoảng 17,127 triệu cổ phiếu, giá trị khoản đầu tư vào MB là khoảng 255 tỷ đồng. Trong khi SCIC được mua với giá rẻ hơn tối đa 25% thị giá cổ phiếu nên cổ đông này đã có lời đáng kể so với giá vốn đầu tư hơn 1 năm trước./.

>> Lợi nhuận trước thuế MBB “bốc hơi” 61 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...