Ngân hàng Nhà nước "bơm" gần 10.000 tỷ đồng ra thị trường trong dịp Tết 2022

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 có khoảng 11,6 tỷ đồng được cơ quan này bơm ra thị trường qua kênh mua tín phiếu để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại dịp Tết.

Đây vẫn là các tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Như vậy, trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng ra thị trường hơn 8.800 tỷ đồng.

Trong 2 tuần giao dịch cuối năm Âm lịch, số tiền NHNN đã bơm ra thị trường đạt gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các hợp đồng tín phiếu mua vào đều có lãi suất 2,5%/năm và kỳ hạn mua tuần trước là 28 ngày và tuần gần nhất có kỳ hạn 14 ngày. Điều này đảm bảo các hợp đồng tín phiếu sẽ được đáo hạn khi thị trường quay trở lại giao dịch sau Tết khoảng 1 tuần. So với cùng kỳ năm trước, số tiền NHNN bơm ròng ra năm nay chỉ tương đương 1/5 giá trị.

Cụ thể, trong 2 tuần làm việc cuối cùng của năm Âm lịch 2020, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ra thị trường tới hơn 50.700 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Trong đó, số bơm ròng tập trung chủ yếu vào 2 ngày cuối năm, với giá trị hơn 26.600 tỷ.

Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động cho vay chéo giữa các nhà băng cũng diễn ra nhộn nhịp hơn ở các kỳ hạn dài 2 tuần đến 3 tháng, cùng với đó là lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất 1 năm. Trong phiên 27/1, doanh số cho vay giữa các nhà băng đạt khoảng 144.200 tỷ đồng. Trong đó, cho vay qua đêm đạt gần 104.500 tỷ, với lãi suất 2,24%/năm. So với phiên 25/1, mức lãi suất này đã tăng 1,14 điểm %.

Ở kỳ hạn 1 tuần, doanh số cho vay liên ngân hàng đã giảm xuống mức 100 tỷ đồng với lãi suất đi ngang ở 2,2%/năm. Trong phiên này, doanh số cho vay ở các kỳ hạn 2 tuần đến 3 tháng tiếp tục tăng mạnh. Số tiền vay chéo kỳ hạn 2 tuần giữa các ngân hàng đạt 34.630 tỷ, chiếm 1/4 doanh số giao dịch trong ngày, lãi suất bình quân 2,47%/năm.

Tương tự, doanh số giao dịch kỳ hạn 1 và 3 tháng lần lượt là 1.675 tỷ và 2.715 tỷ đồng, lãi suất ở mức 2,75% và 2,92%/năm.

Chính giao dịch cho vay liên ngân hàng tăng mạnh trong những phiên cuối năm đã giúp NHNN không phải bơm quá nhiều tiền hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Thực tế, trong cả năm 2021, thanh khoản hầu hết ngân hàng đều trong trạng thái dôi dư so với năm 2020. Nguyên nhân vì dịch bùng phát mạnh từ quý II và kéo dài đến hết quý III/2021, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng chệ và nhu cầu vay vốn giảm sút.

Đến quý IV/2021, khi các lệnh phong tỏa dần được nới lỏng và gỡ bỏ, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng mới tích cực trở lại. Tuy vậy, chênh lệch tiền gửi - tín dụng chỉ giữ xu hướng thu hẹp trong năm nhưng không đủ để tạo áp lực lên thanh khoản các ngân hàng.

Trong 2 tháng cuối năm 2021, một số nhà băng mới tăng lãi suất huy động tiền gửi cá nhân 0,1-0,5 điểm % để đáp ứng cao điểm cuối năm. Tuy vậy, so với trước dịch, mặt bằng lãi suất này vẫn thấp hơn 1-2 điểm %.

Các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng việc tăng lãi suất huy động vừa qua chỉ là xu hướng mang tính mùa vụ và mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt sau đó.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022, dự kiến lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022. Khi đó, triển vọng tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...