Ngân hàng Nhà nước cởi nút thắt, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp lẫn ngân hàng

Thông tư 02 và Thông tư 03 do Ngân hàng Nhà nước ban hành sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn...
Ngân hàng Nhà nước ban hành liên tiếp 2 Thông tư 02 và Thông tư 03

Như ThuonggiaOnline đã đưa, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành liên tiếp Thông tư 02 và Thông tư 03 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn.

Khơi thông dòng vốn ngân hàng

Cụ thể, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Còn Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, Thông tư 02 cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Mặt khác, mục đích ban hành Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, về góc độ của tổ chức tín dụng thì vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Trong đó, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát  trong quá trình triển khai thực hiện chính sách", bà Giang nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước ban hành liên tiếp 2 Thông tư 02 và Thông tư 03

Nhìn nhận về Thông tư 03, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc ban hành Thông tư 03 góp phần tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn rơi vào quý 2 và quý 4 tương đối nhiều.

Bên cạnh đó, Thông tư 03 sẽ làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư, xem xét mua lại trái phiếu doanh nghiệp, tất nhiên bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Như vậy, Thông tư 03 sẽ góp phần khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ từ đó thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm và năm tới.

Vẫn siết chặt "đai an toàn"

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, 2 thông tư trên vẫn còn tồn tại những điểm vướng mắc. Cụ thể, các doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp cận được vốn. Trong khi đó, về phía tổ chức tín dụng có thể đầu tư, cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp khi đáp ứng một số điều kiện đã nêu trong 2 Thông tư.

Bên cạnh đó, 2 Thông tư có các điều khoản đủ chặt để vẫn "bảo đảm mọi rủi ro trong tầm kiểm soát" với 3 đặc điểm quan trọng.

Thứ nhất, xem xét quyết định việc hoãn, giãn nợ về cơ bản do các tổ chức tín dụng chủ động quyết định trên cơ sở đánh giá tình hình doanh nghiệp, khả năng phục hồi, bao gồm trả nợ cả tín dụng thông thường và trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Thứ hai, riêng Thông tư 02 vẫn có "van" an toàn về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro có lộ trình. Các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

TS. Cấn Văn Lực cho rằng quy định trên của Ngân hàng Nhà nước khá chặt chẽ nhằm bảo đảm ngay cả trong trường hợp tình huống xấu nhất xảy ra, các tổ chức tín dụng có đủ nguồn lực kiểm soát và xử lý tình hình. Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thời hạn cụ thể, trước mắt là tới 30/6/20024. Thời gian cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ tối đa 1 năm kể từ ngày khoản đó được cơ cấu lại…

Việc đặt thời hạn là cách xây dựng chính sách duy trì khả năng kiểm soát rủi ro của các ngân hàng. Thông tư 02 cũng có định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn.

"Việc thiết kế các Thông tư trên đáp ứng đúng các chỉ đạo hết sức cụ thể của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là việc hỗ trợ không quên kiểm soát rủi ro", ông Lực nêu quan điểm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...