Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2022

Từ kết quả thực hiện các chương trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước, cả ngân hàng và doanh nghiệp đã thiết lập mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ...
Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Ngân hàng Nhà nước 7 lần đứng đầu PAR INDEX

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%.

Như vậy, đây là lần thứ 7 Ngân hàng Nhà nước đứng đầu PAR INDEX sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014-2020), riêng năm 2021 xếp vị trí thứ 3.

Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách cụ thể để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột gồm: (i) cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; (ii) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.

Trong năm 2022 và quý 1/2023, cùng với việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 08 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân.

Kết quả PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ
Kết quả PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai bộ nhận diện thương hiệu tại tất cả bộ phận một cửa; tổ chức số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa để giảm bớt gánh nặng hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia...

Các tổ chức tín dụng mặc dù là doanh nghiệp nhưng có tính chất phục vụ của loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ cũng được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Từ kết quả thực hiện các chương trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đạt được những lợi ích to lớn, đã thiết lập mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ, cùng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế; củng cố niềm tin ngày càng vững chắc hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, có chất lượng, được chia sẻ lợi ích, được đồng hành lúc thuận lợi và khó khăn.

Về phía các ngân hàng cũng có những bước tiến vượt bậc, tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế cả trong nước và quốc tế.

Nỗ lực cải cách hành chính

Trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ năm 2023, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai 6 nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các Luật (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi), tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tăng cường phân cấp và tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.

Thứ ba, hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước theo hướng số hóa hồ sơ tiếp nhận, điện tử hóa quy trình giải quyết trong nội bộ, hình thành kho dữ liệu các thành phần hồ sơ dùng chung để giảm thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng đáp ứng các định hướng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, hình thành các mô hình hoạt động ngân hàng dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo điều kiện phát triển ngân hàng số, tăng cường kết nối, chia sẻ hạ tầng, dữ liệu với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, văn bản quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản; thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động thường xuyên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng công trình đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản để cắt giảm các thủ tục, rút ngắn thời gian lập kế hoạch mua sắm tài sản, đầu tư và lập phương án khoán kinh phí.

Có thể bạn quan tâm