Trong năm 2021 NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm 0,82% trong bối cảnh NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành năm 2020. Đặc biệt, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên là 4,5% nhưng thực tế nhiều tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất thấp hơn (4,32%), thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết (20.000 tỷ đồng), trong đó các ngân hàng có vốn Nhà nước giảm nhiều nhất. Ví dụ, Agribank giảm 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết); Vietcombank giảm tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.822 tỷ đồng (đạt 95,56% so với cam kết); BIDV ghi nhận tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.382 tỷ đồng (đạt 93,94% so với cam kết)…
Đến 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.
NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%.
Dự kiến, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ của Napas trong giai đoạn 2020-2021 được giảm là 2.557 tỷ đồng.
Để khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, tại buổi họp báo ngày 28/12 mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, kết quả giảm lãi của các ngân hàng, ngân hàng nào giảm nhiều, ngân hàng nào giảm ít đều được công bố để cho dư luận đánh giá. Đây là một trong những biện pháp cứng rắn quyết liệt của NHNN trong điều hành chính sách lãi suất. Tất nhiên, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nhưng trong lúc này cần phải đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế”.
Về điều hành lãi suất trong năm 2022, NHNN nhận định Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát rất cao. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cộng áp lực lạm phát lớn, chính sách tiền tệ đứng trước nhiều áp lực.
Theo thống kê của NHNN, năm 2021, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới có khoảng 118 lượt tăng lãi suất nhưng chỉ có 16 lượt giảm lãi suất. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh bất ngờ tăng lãi suất, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thu hẹp gói định lượng, đồng thời dự định tăng lãi suất 3 lần năm 2022 thay vì dự định 2 lần trước đó. Đồng thời, Fed cũng nhận định lạm phát là nguy cơ hiện hữu thay vì coi lạm phát chỉ có tính tạm thời như trước.
Mặc dù vậy, NHNN cho biết, trước tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp và người dân vẫn mong lãi suất cho vay giảm thêm nữa. Chính vì vậy, năm 2022, trên cơ sở cân đối vĩ mô, NHNN vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.
Cũng tại hội nghị triển khai ngành ngân hàng năm 2022, được tổ chức ngày 29/12, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn ngành ngân hàng thực hiện đó là phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng.
Ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cam kết ngành ngân hàng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cùng với đó Thống đốc chỉ đạo: các TCTD tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần cùng Chính phủ thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và trong những năm tiếp theo.