Ngành điện, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp có triển vọng tích cực trong quý 1/2023

Chứng khoán Agribank đánh giá, nhóm bất động sản khu công nghiệp, điện, dầu khí, xây dựng hạ tầng, vận tải dầu khí và ngành hàng không sẽ có những triển vọng tích cực về giá cổ phiếu và lợi nhuận trong quý 1/2023...
triển vọng

Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 nhiều biến động với áp lực từ cả trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng cao. Lợi nhuận ròng toàn thị trường chỉ tăng trưởng 5,9% so với năm 2021.

Nhìn lại thị trường năm 2022

Lợi nhuận quý 4/2022 của các doanh nghiệp trên cả 3 sàn giảm 32,6% so với cùng kỳ, đây là mức giảm mạnh nhất từ sau đại dịch Covid-19. Trong đó, khối tài chính chỉ giảm nhẹ 0,9% về lợi nhuận với nhóm ngành ngân hàng là điểm sáng với tăng trưởng lợi nhuận quý 4 và cả năm 2022 lần lượt là 17,9% và 33,7% so với cùng kỳ. 

Khối phi tài chính có lợi nhuận sụt giảm mạnh lên đến 50% so với quý 4/2021 với sự đi xuống của hầu hết các nhóm ngành bao gồm thép, du dịch, bán lẻ, bất động sản, xây dựng và vật liệu,…

Cụ thể, các nhà sản xuất thép ghi nhận lỗ trong quý 4 và lợi nhuận giảm tới gần 90% trong cả năm 2022 do sản lượng sụt giảm bởi nhu cầu suy yếu cả trong và ngoài nước; giá thép giảm sâu ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận. Ngành du lịch giải trí cũng  gặp nhiều khó khăn và ghi nhận lỗ trong năm 2022 khi Trung Quốc – thị trường khách du lịch quan trọng hàng đầu vẫn chưa mở cửa trở lại. 

Tình chung cả năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường chỉ tăng trưởng khiêm tốn 5,9% so với 2021. Trong đó, các nhóm ngành có lợi nhuận tăng trưởng bao gồm dầu khí tăng 58,2%, hóa chất tăng 55,8%, ngân hàng tăng 33,7%, điện nước tăng 28,5%…

Ở chiều ngược lại, những nhóm ngành suy giảm về lợi nhuận bao gồm thép giảm 89,7%, dịch vụ tài chính giảm 62,9%...

triển vọng

Đối với nhóm VN-30, lợi nhuận quý 4/ 2022 giảm 11,5% so với quý 4/2021, tốt hơn nhiều so với mức giảm của thị trường chung giảm 32,6%. Cả năm 2022, lợi nhuận của nhóm VN-30 vẫn tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó có 16 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương. Một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ gồm có VRE tăng 108%, GAS tăng 70%, BID tăng 70%. 

Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và sụt giảm mạnh về lợi nhuận trong năm 2022 bao gồm HPG giảm 76% so với cùng kỳ, MSN giảm 53% so với cùng kỳ.

Sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành

Theo Công ty Chứng khoán Agribank (AGR), năm 2023, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng sẽ xen lẫn cơ hội. Những khó khăn đến từ diễn biến phức tạp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu. 

“Tuy nhiên, một số thông tin tích cực đang dần xuất hiện có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như  Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế”, chứng khoán Agribank nhận định.

Trong dự báo về triển vọng lợi nhuận các nhóm ngành quý 1/2023, chứng khoán Agribank đánh giá, nhóm bất động sản khu công nghiệp, điện, dầu khí, xây dựng hạ tầng, vận tải dầu khí và ngành hàng không sẽ có những triển vọng tích cực về giá cổ phiếu và lợi nhuận trong quý 1.

AGR cho rằng, giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) sẽ tiếp tục tăng bù đắp cho sản lượng sản xuất giảm. Trong 2 tháng đầu năm, mặc dù sản lượng nhiệt điện than sản xuất đạt 16,47 tỷ KWh giảm 4,6% yoy song giá CGM bình quân là 1.692 đồng/KWh, tăng 21% so với cùng kỳ sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện.

Đối với ngành dầu khí, triển vọng lợi nhuận quý 1 cũng sẽ khả quan. Do sau 2 năm 2021-2022 giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt. Dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp thăm dò khai thác dầu khí trong trung dài hạn.

Ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ tích cực từ việc các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và ký được các hợp đồng MOU trong năm 2022. Qua đó, các doanh nghiệp này có thể sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có 2 cách ghi nhận doanh thu là ghi nhận 1 lần và ghi nhận hàng năm, do đó kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ghi nhận 1 lần sẽ không ổn định và phụ thuộc vào các hợp đồng ký mới và nhu cầu FDI. Nhu cầu FDI trong quý 1 dự kiến vẫn tăng tập trung ở khu vực miền Bắc nhờ nhu cầu đến từ FDI khối Châu Á (Singapore, Trung Quốc, Đài Loan). 

Ở chiều ngược lại, AGR dự báo các nhóm ngành gồm bất động sản, ngân hàng, xây dựng dân dụng, thép, bán lẻ, hóa chất, phân bón… sẽ có triển vọng kém khả quan hơn trong quý 1/2023. Các doanh nghiệp thép vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nhu cầu trong nước tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trầm lắng và thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái kinh tế. 

Doanh nghiệp ngành bán lẻ tiếp tục bị ảnh hưởng do môi trường lạm phát, lãi suất ở mức cao và kéo dài nhiều quý ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người dân. Ngoài ra, thu nhập khả dụng người dân bị suy giảm vì các chính sách cắt giờ lao động hoặc cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp nhằm tối ưu các chi phí vận hành.

Lợi nhuận quý 1/2023 của ngành hóa chất cũng có thể sẽ đi lùi do giá của hầu hết các loại hóa chất đã điều chỉnh giảm kể từ đầu năm. Việc Trung Quốc mở cửa, nối lại hoạt động sản xuất và tăng sản lượng trở lại cũng sẽ góp phần làm giá các loại hóa chất tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023.

Mặc dù vậy, mặt bằng giá một số loại hóa chất như phốt pho vàng hay xút vẫn đang ở mức cao so với trước đại dịch Covid-19 qua đó giúp các doanh nghiệp có thể duy trì kết quả kinh doanh khá tích cực so với những năm trước nhưng cũng chưa khả quan.

Có thể bạn quan tâm