Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO - lĩnh vực Thiết Kế. Đây là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Hưởng ứng sự kiện này, lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại sẽ góp phần quảng bá và giới thiệu tới người dân và du khách về di sản văn hoá Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hoá dân gian trong đời sống đương đại.
Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội gồm: Trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo với sự tham gia của các nghệ nhân 16 làng nghề: Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín); quạt Chàng Sơn, làm chuồn chuồn Thạch Xá, mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); sơn khảm Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); nón lá làng Chuông (huyện Thanh Oai); thêu ren Thắng Lợi, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín)...
Tại không gian trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại diễn ra vào tối 14 và 15/12, Ban tổ chức sẽ giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội như: Hát chèo tàu, hát dô, hát xẩm, hát ví, hát trống quân...
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội cũng kêu gọi toàn thể nhân dân cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội - từ thành phố Vì hòa bình trở thành thành phố Sáng tạo của UNESCO, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.